Trước đây, vợ chồng tôi là đồng nghiệp ở một công ty lớn, cùng phận nhân viên làng nhàng như nhau. Sau một lần giao dịch được đơn hàng có giá trị với khách nước ngoài, tôi nhận về sự khen ngợi và động viên của sếp. Tự bỏ thời gian và chi phí đi học thêm, lấy được một chứng chỉ ngoại ngữ tốt, sự nghiệp của tôi mở ra giai đoạn mới nhiều hứa hẹn.

Cơ hội theo đó mà tìm đến, tôi thăng tiến, kiếm được nhiều hơn. Chồng tôi tuy không nói ra nhưng anh có phần tự ti khi thấy vợ mình ở vị trí cao hơn chồng. Anh xin nghỉ, trải qua vài lần nhảy việc, cuối cùng là lựa chọn “làm tự do” cho thoải mái.

Cụm từ "làm tự do" là chồng tôi dùng để trả lời khi ai đó hỏi han tới nghề nghiệp của anh, kèm sự úp mở về thu nhập và các từ đao to búa lớn như dự án, kế hoạch, đầu tư, tìm người hợp tác…

Ban đầu tôi cũng ủng hộ chồng tham gia hùn hạp với bạn bè, rong ruổi xem đất xem vườn chỗ này, dự lễ khai trương chỗ kia. Dần dà, thì anh ngồi quán là chủ yếu, tiền mang đi chưa từng thấy quay trở lại bao giờ. Thời gian anh dành cho các hội nhóm xe cộ, cá cảnh, nhiếp ảnh... còn nhiều hơn dành cho gia đình, vợ con.
Chồng thất nghiệp nhưng lại tỏ vẻ mình đang hy sinh
Chồng thất nghiệp nhưng lại tỏ vẻ mình đang "hy sinh" (ảnh minh họa)

 

Chúng tôi sống cùng với đại gia đình chồng. Với lý do là người đi làm ổn định, nên đương nhiên tôi phải phụ trách việc gửi phí sinh hoạt, tiền cơm nước cho mẹ chồng, tiền học cho con. Mỗi tháng, tôi còn phải “phát lương” cho chồng, với lý do “em nhớ đưa tiền để anh lo cho thằng nhóc”.

Chúng tôi chỉ có một cậu con trai đang ở bậc mầm non, ở lại trường cả ngày, chỉ duy nhất chủ nhật mới nghỉ học. Tuần 3 lần tôi thuê giúp việc theo giờ tới tổng vệ sinh, dọn dẹp. Chồng tôi đảm nhận việc đón và chơi với con vào cuối ngày, cho tới lúc tôi tan làm. Đó có thể xem là đóng góp duy nhất của anh cho gia đình nhỏ. Điều này, khi vợ chồng bất hòa, tôi mới choáng váng nhận ra, khi bình tâm và rạch ròi suy xét, chứ trong gần 10 năm chung sống, tôi chưa từng một lần so đo với chồng. 

Cuộc sống lẽ ra cứ thế trôi qua, nếu như gần đây tôi không được đề bạt lên làm phó trung tâm ở nơi làm việc. Tin này khiến cả nhà chồng tôi hỉ hả. Mẹ chồng đề cao tôi trước mặt em dâu: “Chị Hai nhà này giỏi thật, làm nở mặt chồng con. Tất cả cũng nhờ anh Hai hy sinh nhường cho vợ làm lớn. Chứ như thằng Bin (tên ở nhà của em trai chồng tôi), cả 2 vợ chồng đều đi làm, nên vợ nó đâu trèo lên cao nổi!”.

Lý lẽ ấy khiến tôi vừa buồn cười vừa bực. Cứ ngỡ là do mẹ chồng mình lẩm cẩm nên tôi không để bụng, ngờ đâu, ngay chồng tôi cũng nghĩ như vậy.

Anh xa gần bảo, nhà này mà không có anh chịu khó đỡ đần, lo lắng, thì tôi cũng đừng mong được như ngày hôm nay. Mai mốt tôi càng phải phụ lo kinh tế, đừng tỏ ra vô ơn.

Đáng giận hơn, chồng tôi cho rằng phía bên ngoại chẳng giúp đỡ được gì, nên tôi cũng đừng quá chăm chú lo cho nhà mẹ ruột. Hãy biết ghi nhận công sức phía bên chồng.

Chúng tôi cãi nhau to. Tôi hỏi thẳng chồng, rốt cuộc thì anh đóng góp gì cho công việc của vợ, cho mái ấm riêng của chúng tôi mà kể lể.

Bất ngờ thay, khi chồng tôi biến cái sự làm biếng, lười lao động, ham chơi bời tụ tập của anh ra thành… thế mạnh. Rằng, nếu không có anh bươn bả ngược xuôi lo nhà cửa con cái hàng ngày, liệu tôi có được yên tâm mà phát triển, rồi chuẩn bị lên làm lãnh đạo không? Tôi được ăn trắng mặc trơn, son phấn váy áo ngồi máy lạnh, làm sao hiểu hết những khó nhọc anh từng nếm trải?

Tới mức này thì tôi cũng cạn lời. Chồng và gia đình anh ấy khăng khăng cho rằng tôi được như ngày hôm nay là do chồng tôi cam tâm lùi lại phía sau. 

Bỗng nhiên tôi thành ra “mắc nợ” với bên chồng, trong khi bản thân đã nai lưng ra làm lụng, chịu rất nhiều ấm ức và áp lực bên ngoài. Ở đâu ra cái lý, người đàn ông thất nghiệp, quanh năm chơi lại trở thành “hy sinh” cho vợ thế này!

Theo phụ nữ TPHCM