Kính gửi chị Hạnh Dung,

Chồng em là con trai út. Anh Hai và chị Ba đã lập gia đình từ lâu. Khi em về nhà chồng, gia đình anh, chị đều đã ổn định. Ba chồng em là trưởng tộc nên hằng năm các đám giỗ, tiệc của dòng họ cũng nhiều. Phần lớn các đám tiệc này là vợ chồng anh Hai và má chồng em lo liệu.

Đùng một cái, vợ chồng anh Hai lục đục rồi chia tay, anh Hai dọn về sống chung với ba má chồng, còn chị dâu thì nuôi 2 đứa nhỏ và sống riêng. Tự nhiên em thành người phải lãnh trách nhiệm chăm lo, tổ chức tất cả các đám tiệc của cả nhà.

Em cũng đã cố gắng, nhưng ngày càng thấy mệt mỏi. Ba má chồng đòi hỏi rất cao. Mọi chuyện từ chuẩn bị, mời khách đến đi chợ, nấu nướng, dọn bày mâm tiệc, mâm cúng giỗ cho đến dọn rửa, bếp núc nhà cửa đều phải tự mình làm. Cũng có thêm người phụ, nhưng chuyện gì sơ suất đều là lỗi của mình.

Chồng em lâu nay đâu để ý gì chuyện nhà. Anh Hai thì sau khi chia tay vợ, thành người rất khó nói chuyện. Chị Ba cũng bận gia đình riêng nên đến ngày giỗ mới tới, ăn xong là về, không dọn dẹp. Em mấy lần nói má cho em đặt đồ nấu bên ngoài, em sẵn sàng chi trả, nhưng má nhất định không chịu.

Chắc em phải tính đường dọn ra riêng sớm, mà không biết khi ra riêng rồi có né được vụ giỗ tiệc này không?

Thúy Hường (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Thúy Hường thân mến,

Việc chăm lo giỗ, tiệc của dòng họ, gia đình, ba má đã tự coi đó là trách nhiệm quan trọng. Theo huyết thống, thứ bậc, trách nhiệm ấy được giao cho con trai trưởng và dâu trưởng. Nay anh Hai vì tan vỡ hôn nhân mà tạm thời không gánh vác, vợ chồng em lo tạm trong một thời gian, chứ không phải là người thay thế đảm nhận trách nhiệm ấy mãi mãi. Em cần hiểu như vậy rồi mới tìm cách giải quyết được.

Trước tiên, cần thống nhất giữa vợ chồng em. Em hãy nói với chồng về chuyện đám tiệc ở nhà, anh có thể chia sẻ với em thế nào. Mẹ chồng tuổi ngày một lớn, việc này cũng không thể đổ lên một mình mẹ. Đặt hàng nấu dọn là giải pháp hiện đại, hợp lý. Nhưng để ba má chồng đồng ý cách làm này, vợ chồng em phải đồng lòng cùng trình bày, cùng thuyết phục.

Nhân một giỗ tiệc nào sắp tới, cả 2 vợ chồng cùng thưa chuyện với ba má cho thử làm giỗ theo cách của tụi em. Ba má thấy vợ chồng em có quan tâm, lo lắng chuẩn bị từ trước, mong muốn làm tốt nhất trong điều kiện có thể, chắc sẽ đồng ý thử nghiệm.

Với lần đầu thử nghiệm này, em đừng cố thay đổi tất cả cùng một lúc. Hãy từ từ, từng phần một. Ví dụ, em xin đặt nấu phần tiệc, còn mâm cơm cúng tổ tiên, trái cây chưng bàn thờ… em vẫn tự tay mua, nấu, dọn cúng thật chu toàn. Hãy phân công cho chồng phần bày biện trên bàn thờ, còn em lo phần trong bếp. Vậy cũng đã đỡ một phần khá lớn rồi.

Thói quen và quan điểm của thế hệ trước chậm thay đổi, thêm vào đó có thể là do lo ngại về chi phí (mình đi chợ tự nấu thì sẽ rẻ hơn) hoặc lo con cháu lơ là việc cúng giỗ, không tưởng nhớ ông bà. Em có thể nhờ thêm chị Ba giúp, nhờ chị Ba tác động thêm với má. Em cũng nên hỏi ý kiến chị, ý kiến mẹ về các món cần đặt. Sau khi xong đám, em xin nhận xét của ba má, ý kiến góp ý của anh chị để rút kinh nghiệm cho lần sau.

Có một điều chắc chắn là ông bà, ba má luôn muốn giỗ tiệc được tổ chức chu đáo, mọi người đến dự đông vui, đầm ấm. Em cố gắng giữ không khí ấy, đừng có lời nói, cử chỉ nào gây ra cảm giác mình phó mặc cho người ngoài, không chăm lo tận tâm. Sau một thời gian thấy em có thể lo giỗ chu toàn, ba má sẽ dần thay đổi suy nghĩ và tin cậy giao cho em toàn quyền quyết định.

Chúc em thành công.

Theo phụ nữ TPHCM