Tôi cưới vợ đã gần 20 năm, cứ mỗi lần thấy cô ấy khóc, buồn là biết chắc vợ vừa nói chuyện điện thoại với mẹ ruột. Mẹ cô ấy vô cùng khắc nghiệt, luôn đòi hỏi con gái báo hiếu, vợ có cố gắng bao nhiêu vẫn không đủ, không được ghi nhận.

leftcenterrightdel
 Mẹ vợ còn trẻ khoẻ, nhưng luôn buộc vợ tôi chăm sóc (Ảnh minh họa)

Tôi nhớ ngày vợ chồng tôi kết hôn được 5 năm. Cô ấy buồn rười rượi vì phải ra phòng công chứng ký giấy từ chối quyền nhận tài sản thừa kế. Gia đình bên ngoại kinh doanh lâu năm, rất khá giả. Theo như tôi biết thì bố mẹ vợ sợ sau này chị gái (là vợ tôi) sẽ giành tài sản với em trai. Thế nên để yên tâm, các cụ đã uỷ quyền cho luật sư thảo các giấy tờ cho hồ sơ di chúc, gọi vợ tôi ra ký giấy từ chối nhận tài sản của cha mẹ.

Vợ tôi buồn lắm, cô ấy sốc chẳng phải vì không được nhận tài sản thừa kế. Cô ấy buồn vì cách đối xử của những người sinh ra mình.

Lúc ấy tôi đã nói với vợ cho tôi đi cùng và an ủi: “Em cứ ký giấy từ chối. Từ giờ ba mẹ anh sẽ là ba mẹ ruột của em, anh luôn là gia đình em, tài sản của anh chính là của em”. 

Cứ tưởng từ chối tài sản thì vợ tôi chẳng còn nặng trách nhiệm với nhà ngoại, nhưng không phải vậy. Chuyện lớn chuyện bé gì bên đó cũng gọi điện cho vợ tôi, yêu cầu cô ấy có trách nhiệm, thực hiện việc báo hiếu. 

Mẹ vợ nằm bệnh viện, vợ nghỉ việc suốt tuần để chăm sóc. Nửa đêm nghe điện thoại của bà, cô ấy vội vã mặc cả đồ ngủ chạy sang, đưa mẹ đi cấp cứu, túc trực tới tận sáng hôm sau. Khi mẹ vợ ổn định, nhập vào phòng nằm trong viện, lúc ấy các em vợ mới có mặt.

Vợ tôi vừa về tới nhà, chỉ kịp tắm rửa thay đồ, cơm chưa kịp ăn, đã thấy tin nhắn gọi vào đổi ca cho em trai.

Em vợ phải về đi học, không tiếp tục ở lại bệnh viện với mẹ. Thế là vợ tôi sấp ngửa, gom mền gối, chạy vào bệnh viện. Tới giờ đón con, cô ấy không thể không về, vì chúng tôi có 2 cháu ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Trường của 2 bé ở hai hướng khác nhau nhưng cùng tan một giờ. Vợ chồng tôi ở riêng, không thể nhờ ai đón con giúp được và tôi chỉ có thể đón 1 bé. 

Vì vợ về đón con mà cô ấy bị mẹ bêu riếu. Bà nói với các thân bệnh nhân cùng phòng rằng con gái bà bất hiếu, chỉ biết lo cho gia đình riêng. Theo bà, mẹ đang ốm nằm viện, thì chồng con cũng phải bỏ.

Suốt thời gian mẹ ốm, vợ tôi ra vào bệnh viện liên tục, nhưng vẫn bị trách không túc trực bên mẹ 24/24, ban đêm không ngủ lại với mẹ mà để em trai ngủ. Em trai sáng ra còn phải đi học, nên ảnh hưởng sức khoẻ. 

leftcenterrightdel
Tôi an ủi vợ, khuyên cô ấy ít tiếp xúc với nhà ngoại để tránh bị tổn thương (ảnh minh hoạ) 

Khi tôi cùng vợ vào bệnh viện thăm mẹ, tôi đứng trân mình nghe bà mắng vợ không kịp vuốt mặt: “Ngày xưa mẹ chồng mày ốm, mày còn bưng bô, thay rửa thế nào? Thế mà tao mới ốm có vài ngày, mày hiếu thảo tới đâu?”.

Tôi phải cố nuốt giận để không hỗn với mẹ vợ. Tôi bỏ ra về, chờ tới tối nói chuyện với vợ. Tôi khuyên cô ấy nên san sẻ trách nhiệm cho các em. Nếu bị mẹ xúc phạm thì không cần phải đứng nghe như vậy. Mẹ khoẻ, vẫn đi lại được, sau khi mang đồ ăn vào cho mẹ, vợ hãy tiếp tục đi làm hoặc về nghỉ ngơi. 

Vợ tôi là người tốt. Với mẹ chồng mà cô ấy còn không ngại chăm sóc việc vệ sinh cá nhân, thì với mẹ ruột, cô ấy có sá chi. Chẳng qua cô ấy nghĩ bà ngoại vẫn có thể tự đi lại được, hà cớ gì phải phục vụ quá mức.

Tôi không thể cấm vợ qua lại với bên ngoại, và mỗi lần liên quan tới nhà ngoại, tôi lại thấy vợ buồn khổ, tổn thương. Sự khắc nghiệt của nhà ngoại lan toả năng lượng tiêu cực tới gia đình nhỏ của chúng tôi. Tôi phải làm gì khi mẹ vợ ngày càng cư xử quá đáng với con gái?

Theo phụ nữ TPHCM