Cô Hạnh Dung kính mến,
Tôi đang có một nỗi lo lắng mà không biết làm sao để giải tỏa. Tôi có một cô con gái, cháu năm nay mới 22 tuổi, cao ráo, trắng trẻo, xinh đẹp. Cháu mới ra trường được 2 năm và ở lại thành phố làm việc. Gia đình chúng tôi ở Long An.
Thấy cháu tìm việc khá vất vả, nên vợ chồng tôi cũng lo lắng lắm, nhưng cháu nói nghề của cháu về quê không tìm ra việc làm, nên đành để cháu sống ở thành phố. Cũng may cháu sống cùng họ hàng, nên tôi cũng yên tâm. Mấy năm đại học cũng không có gì lớn làm tôi phải lo lắng, ngoài vài chuyến đi chơi với bạn bè.
Lúc mới ra trường, cháu làm cho công ty du lịch nên đi suốt, khiến tôi cũng lo, sợ cháu không giữ được mình. Rồi tới cuối năm ngoái, cháu nghỉ công ty du lịch, về làm cho một thẩm mỹ viện ở Sài Gòn. Tôi tạm yên tâm... thì tuần rồi, tôi nghe dì cháu điện về nói cháu bơm môi trông rất dễ sợ.
Tôi hoảng hồn bắt xe lên thành phố, và nhận không ra con gái mình nữa. Cháu vốn có khuôn mặt ưa nhìn, nước da trắng trẻo... Vậy mà giờ cháu bơm cái môi cong vểnh lên. Thật dở khóc, dở cười. Cháu còn làm lông mi dày cộp, nặng trịch, mở không lên. Hai con mắt cháu vốn nhỏ, nên cứ lim dim như con mèo trong phim hoạt hình của Mỹ.
Cháu bảo đi làm ở thẩm mỹ viện, doanh thu phải đạt 200 tr/tháng. Phải dụ, mời, lôi kéo khách lắm mới có lương cao, nên phải làm chút ít để các bà, các chị tin tưởng mà làm theo. Cháu còn thích thú khoe là vì làm theo tiêu chuẩn nhân viên, nên được giảm 50% và trả dần vào lương.
Tôi nghe con nói mà vừa buồn, vừa lo lắng. Cứ cái đà bị dụ, bị ép này, cháu sẽ còn sửa đến cái gì nữa? Nhưng bảo nghỉ thì cháu không chịu, nói chỗ làm vui vẻ, sếp thoải mái, dễ thương, đồng nghiệp thân thiện...
Cháu có vẻ hãnh diện và hài lòng về việc cháu đã sửa sang mặt mũi, còn tôi thì buồn và lo lắm. Làm sao để cháu hiểu ra đây chị? Cha cháu nghe nói thì nổi giận, đang muốn đòi lên thành phố nắm cổ cháu lôi về quê. Tôi phải cản mãi ổng mới chịu thôi.
Thanh Nga
Chị Thanh Nga thân mến,
Rất cảm thông với nỗi lòng của chị, bất cứ người mẹ nào cũng sẽ luôn có những nỗi lo lắng về con cái, nhất là khi con rời xa vòng tay mình và bắt đầu cuộc sống mới của riêng nó.
Điều quan trọng là họ rất khó khăn để có thể làm quen và chấp nhận rằng đó là cuộc sống của riêng con, một người đã trưởng thành hay ít nhất là bắt đầu trưởng thành. Các con cũng sẽ phải từng bước, từng bước đi vào cuộc sống, học những bài học của riêng mình, vấp, té, đứng dậy và đi tiếp...
Họ không thể nào nghĩ được rằng, con sẽ học nhiều bài học để có thể thật sự trưởng thành, có khi rất mệt mỏi, thậm chí đau khổ. Nhưng chỉ những bài học đó mới giúp con lớn lên, chứ không phải là bài học mà mẹ cha cứ muốn nhồi nhét vào đầu con cái.
Điều quan trọng là cho con biết bất cứ lúc nào con cần đến, cũng sẽ có cha mẹ ở bên, con có thể tạm rời bỏ thế giới một thời gian, nếu mệt mỏi và thương tích, về nương náu nơi cha mẹ, chữa lành những tổn thương, rồi lại bước ra đời và phấn đấu tiếp.
Vì không thấu hiểu những điều đó, nên các bậc phụ huynh giống như chị, cứ mãi lo lắng, hết nỗi lo này tới nỗi lo khác. Khi con đi học thì chị lo chuyện con đi chơi với bạn bè, khi con đi làm du lịch thì chị lo chuyện con đi xa thường xuyên, giờ con làm thẩm mỹ viện, chị lại lo con sửa sang mặt mũi quá nhiều... Những nỗi lo sẽ không bao giờ dứt.
Thế nhưng lo lắng thực chất có giúp được chúng ta điều gì không, hay chỉ đang phá hoại sức khỏe, tinh thần, đôi khi phá luôn cả mối quan hệ của chúng ta, và tạo áp lực cho người chúng ta thương yêu và lo lắng.
Những điều khiến chị lo lắng về con, rồi cũng đã qua đi, phải không chị? Con gái chị vẫn luôn bình an và tiếp tục phấn đấu, tiếp tục tìm con đường của mình để đi và xây dựng một cuộc sống tự lập đấy thôi.
Những điều chị thích, hay không thích, kể cả việc con sửa sang chút ít trên khuôn mặt hay vóc dáng, cơ thể của con..., cũng là những trải nghiệm mà con gặp hay tự chọn và sẽ tự giải quyết. Không phải lúc nào những tiêu chuẩn về sự đúng đắn hay về cái đẹp của thế hệ chúng ta và thế hệ con cái, cũng có thể trùng khít lên nhau.
Cụ thể, việc chị đang hết sức lo lắng về chuyện con bơm môi hay làm lông mi, là một người ngoài, Hạnh Dung thấy điều đó không có gì ghê gớm. Chuyện làm cho hàng mi dày và dài, chẳng phải chỉ có các cô gái trẻ, mà nhiều chị trung niên cũng thường xuyên làm.
Bơm môi, nếu chị có tham khảo trên internet, thì cũng không có tác hại lớn với sức khỏe, nếu làm ở cơ sở uy tín. Hơn thế nữa, việc bơm môi cũng chỉ giúp cho môi căng và mọng trong hai năm mà thôi.
Cái đẹp đôi khi còn phụ thuộc vào sự quen mắt. Chị quen nhìn thấy con gái mình từ nhỏ tới lớn như vậy, bây giờ có chút khác đi sẽ khiến chị cho rằng như thế là không đẹp. Nhưng con gái chị thấy đẹp, hài lòng và mọi người cũng khen đẹp, thì chị nên tôn trọng điều đó, và xem xét lại ý kiến của mình.
Quan trọng nhất ở đây là giúp con đừng trở thành con nghiện chỉnh sửa nhan sắc. Hãy gần gũi, trò chuyện và nhắc nhở con về điều này, để con ý thức được giới hạn của việc làm đẹp.
Gần gũi, chia sẻ, tán thành, ủng hộ khi con làm đúng, làm đủ và khéo léo nhắc nhở con trước để con biết rằng mẹ không phải khó khăn, bảo thủ, định kiến. Khi đó con sẽ tin tưởng và tham khảo ở mẹ những lời khuyên cho mọi quyết định của mình. Cấm cản, la mắng, chê bai... sẽ khiến con giấu diếm, bướng bỉnh, chống đối, và có khi sẽ làm sai nhiều hơn, chị ạ.
Theo phụ nữ TPHCM