Tin chị Cúc bán chiếc xe bán tải khiến cả nhà chồng xôn xao. Bữa cơm tối chờ chị Cúc nặng trịch với những khuôn mặt xét nét. Ít ai quan tâm việc làm ăn của chị Cúc có vấn đề gì không, mà chỉ thắc mắc: "Sao tự dưng lại bán xe, rồi lấy gì đi đứng!".

Chị Cúc bâng quơ: "Năm nay khó khăn chung, nhiều người phải thu hẹp công ty, có khi phải đóng cửa luôn ấy chứ!".

Tân, em chồng chị hằn học đứng dậy. Không khó để hiểu lý do: Chiếc xe của chị Cúc lâu nay phần nhiều là Tân sử dụng. Chị Cúc hàng ngày chạy như con thoi giữa văn phòng, nơi chị làm việc chính, qua cái shop quần áo may sẵn chị mở mấy năm trước.

Hơn năm nay, Tân coi đó như xe riêng, dùng để chở vợ con, thậm chí là cả phía bên vợ đi chơi, nghỉ mát. Ban đầu, Tân cũng hỏi mượn chị dâu, nhưng hệt một như kiểu “báo cáo”. Sau này, Tân thản nhiên dùng xe với suy nghĩ mà chị Cúc thừa hiểu: Dù sao thì đó vẫn là tài sản của anh trai mình.

Nói “dù sao”, là bởi chồng chị Cúc hầu như cũng chưa từng làm ra của cải gì cho đáng. Vợ chồng chị xưa là đồng nghiệp, đều là nhân viên quèn. Lấy nhau chưa bao lâu thì chồng chị bất mãn với sếp và xin nghỉ. Vài lần thăng tiến của vợ, cũng là vài đợt đổi chỗ làm của chồng. Khi chị Cúc lên trưởng phòng, cũng là lúc chồng chị cương quyết bảo, khi nào có việc phù hợp mới đi làm, tuổi này rồi không muốn nhìn sắc mặt ai mà sống nữa!

Câu này anh tuyên bố đã hơn 10 năm trước. Chừng đó thời gian, chị Cúc ngoài cáng đáng hoàn toàn kinh tế cho gia đình nhỏ của mình, và còn phải đóng góp cho đại gia đình chồng, nơi chị đang sống cùng.

Đôi khi ngoái nhìn lại chị cảm thấy sợ hãi, sao mình có thể gồng gánh tới mức ấy, sức chịu đựng phi thường đến vậy… Trong căn nhà 3 tầng với hơn 20 chục thành viên lớn nhỏ ấy, hầu như ít ai đi làm. Ba mẹ chồng chị Cúc, vợ chồng Tân, rồi dì dượng, rồi cậu mợ Hai, cậu mợ Út… Nguồn trang trải của mọi người phần lớn đến từ các khoản lãi ngân hàng, chờ tiền bà con ở nước ngoài gửi về, và từ chị Cúc.

Má chồng bệnh thì chị đưa đi khám, tất nhiên kèm đóng viện phí. Gia đình chồng muốn đi du lịch, chị cũng phải sắp xếp. Chị đi công tác nước ngoài, ai nấy tranh thủ gửi mua quà, dĩ nhiên là “gửi miệng”. Tiền điện tiền ga, tiền sửa bồn nước, tiền thay máy giặt… món nào cũng tới tay chị. Thế nhưng, rất ít khi thấy ai ghi nhận công sức khó nhọc của chị, mà xem đó là hiển nhiên rồi…

Đại gia đình nhà chồng chỉ thích tụ tập, ăn uống, du lịch, chứ ngại đi làm
Đại gia đình nhà chồng chỉ thích tụ tập, ăn uống, du lịch, chứ ngại đi làm

 

Không ít lần, chị cố gắng khuyến khích chồng tìm công việc gì đó, lương ít cũng được, miễn là có lao động, có thu nhập, có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Nhưng chồng đều vịn nhiều lý do để thoái thác. Khuyên lơn, dỗ dành, tức giận… đều vô ích. Nói nhiều thêm chút lại thành ra căng thẳng, bất hòa, không giải quyết được gì mà nhà cửa bỗng ồn ào. Chị nhớ ra mình đang sống chung với nhà chồng. Nhớ ra, tấm gương nhãn tiền mà chồng chị soi rọi, chính là những người trong gia đình anh: Họ đâu cần phải đi làm, mà vẫn sống tốt đó thôi!

Lúc chị Cúc mở công ty thời trang, ngay lập tức Tân - em chồng chị muốn đi làm. Cúc hơi bất ngờ, cứ ngỡ rằng cuối cùng cũng có ai đó hiểu ra giá trị của lao động. Vài bạn bè thân xa gần khuyên chị đừng “dây dưa” với nhân sự nhà chồng, hãy thuê người ngoài cho rõ ràng, sòng phẳng. Cúc chưa kịp phân vân thì đã bị nhà chồng làm áp lực. Chị hiểu, muốn yên ổn thì phải dành vị trí quản lý cửa hàng cho em chồng.

Từ đó, Tân chễm chệ ra lệnh cho nhân viên như một ông chủ thứ thiệt. Đi trễ về sớm, tự ý lấy đồ về xài, luôn tỏ ra trịch thượng, nắm quyền. Mà tiền lương của Tân thì chị Cúc không thể thiếu hay chậm. Xe hơi công ty dần biến thành của riêng. Chị Cúc biết mình sai lầm, nhưng thật khó để sửa chữa.

Nhiều lúc, đột xuất ghé về nhà, chị cố nén tiếng thở dài khi thấy trong giờ làm việc mà mọi người đều tụ họp đông đủ. Chủ đề yêu thích luôn là hôm nay ăn gì, cuối tuần đi chơi đâu, trên mạng có món nào ngon, chỗ này hay, nhà mình phải thử mới được.

Má chồng chị sẽ tỏ ra không vui nếu con trai Cúc có món đồ chơi này, mà con của vợ chồng Tân chưa có. Vợ Tân cũng theo lề ăn trắng mặt trơn, nhưng vẫn được má chồng cưng, thậm chí còn đồng cảm. Kiểu như, tội nghiệp, nó không có công việc ổn định, đi làm cho người ta vất vả lắm chứ…

Nhiều lần quá bất mãn, quá mệt mỏi, chị Cúc đành tự hỏi, vậy có ai nhìn thấy cái sự tất tả bươn chải của chị không nhỉ! Nắm kẻ có tóc, nên mỗi thay đổi của chị sẽ bị soi ngó, chê trách là ảnh hưởng tới nồi cơm của mọi người.

Chị ngao ngán với cái sự lười biếng, ỷ lại của bên chồng, càng sợ con mình lớn lên trong môi trường đó thì cũng sinh tâm lý sống loanh quanh hạn hẹp. Mà nếp nhà chồng đã thế rồi, chẳng lẽ lại một mình dọn ra ngoài sống, ép chồng phải đi theo hoặc ly hôn? Chị thật sự bế tắc...

Theo phụ nữ TPHCM