leftcenterrightdel
 Mẹ tôi nói bà biết ơn chồng tôi (ảnh minh họa)

Từ sáng sớm tôi đã đứng ngồi không yên. Dù tin tức về sức khỏe của mẹ do chồng cập nhật qua nhóm Zalo gia đình mỗi ngày, nhưng tôi vẫn sốt ruột. Hôm nay mẹ tôi ra viện và anh đang đưa bà về nhà.

Thật ra, lòng tôi nóng như lửa đốt từ hôm chồng tôi đưa mẹ đi bệnh viện thành phố. Nhà neo đơn, các con còn nhỏ, tôi lại ốm yếu, mẹ tôi bị bệnh lần này phải đi thành phố phẫu thuật, chỉ một mình anh theo chăm sóc bà.

Chúng tôi sống với nhau đến giờ là 15 năm. Tôi là con gái duy nhất. Anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên về ở nhà tôi, sống với ba mẹ tôi. Anh là người biết ăn biết ở, anh thường nói coi ba mẹ tôi như ba mẹ ruột của mình. Ba mẹ tôi cũng tự hào không kém về anh, ông bà thường khoe với bà con làng xóm: “Nhà tôi có thêm thằng con trai”.

Tôi ốm yếu từ nhỏ, nên ngoài công việc dạy học ở trường tôi không làm thêm được gì. Con trai rồi đến con gái ra đời, tôi chỉ biết loay hoay sắp xếp trong gia đình, những việc bên ngoài đã có anh gánh vác.

Không chỉ lo việc bên ngoài, về nhà anh còn dạy dỗ, kèm cặp các con… Nói chung, mọi việc tôi đều khoán trắng cho chồng. Tôi luôn tự hào là có anh, gia đình mình luôn là gia đình hạnh phúc.

Những năm sau này, ba mẹ tôi già yếu, lương hưu của ông bà dồn hết vào việc thuốc men, bồi dưỡng, đôi khi còn không đủ. Gánh nặng trên vai chồng tôi nặng thêm, vừa lo cho gia đình nhỏ, vừa chăm sóc cho ba mẹ tôi.

Ba tôi nằm bệnh viện, một tay anh từ thuốc men, trực bệnh viện, đưa cơm, bóp tay chân cho ba… tôi vụng về loay hoay việc nhà, việc trường cũng đủ hết thời gian và nhiều lúc đuối. Tôi nhớ, những ngày ba nằm viện, thấy cách anh chăm sóc ông, anh đút cho ông từng muỗng cháo, ly sữa, anh tập cho ông cụ đi đứng… ai nấy đều đinh ninh rằng anh là con trai ruột của ông. Khi biết anh là con rể, ai cũng ngạc nhiên và khen gia đình tôi có phước.

Bệnh tình của ba tôi vừa đỡ thì đến lượt mẹ ngã bệnh. Anh lại cáng đáng, lo lắng đưa mẹ đi bệnh viện, làm các xét nghiệm, chụp phim… Khi bác sĩ cho biết mẹ phải mổ túi mật , anh quyết đi đưa mẹ đi thành phố chữa trị.

10 ngày chỉ mình anh ở trong bệnh viện với mẹ, tôi biết anh vất vả đến chừng nào. Vậy mà khi anh gọi điện thoại về nhà, tôi luôn nghe giọng anh rất vui vẻ và lạc quan. Khi tôi nói anh cố gắng ăn uống, bồi dưỡng cho mình, thì anh lại nói: “Em ở nhà lo cho ba và các con ăn uống đầy đủ. Ba vẫn còn yếu lắm. Em nhưng cũng đừng lo lắng quá, coi chừng bị bệnh, khi về anh sẽ phụ với em một tay”.

Có tiếng xe taxi ngừng trước cửa, tôi vội vàng bước ra mở cổng cho chồng đỡ mẹ tôi vào nhà. Nhìn dáng anh to lớn dìu mẹ gầy liêu xiêu, tôi không cầm được nước mắt.

Tôi rót ly nước đưa cho mẹ. Cầm tay tôi, mẹ nói nhỏ: “Mẹ biết ơn chồng con nhiều lắm. Con phải yêu thương chồng con, phải cố gắng sống cho xứng đáng với tấm lòng của nó”.

Tối hôm qua con gái hỏi tôi một câu: “Mái tóc hoa râm là sao, mái tóc bạc là sao hở mẹ?”. Tôi chưa kịp giảng giải cho con. Tối nay tôi sẽ dạy cho con rằng: “Mái tóc hoa râm là của ba, mái tóc bạc là của bà. Mái tóc hoa râm rồi sẽ thành tóc bạc. Ba con đã vì ông bà và mẹ con mình mà tóc chuyển hoa râm một năm nay. Từ mái tóc đen thành hoa râm là cả một chuỗi thời gian trong cuộc sống, ba đã hy sinh rất nhiều cho gia đình mình hạnh phúc “.Nhìn nụ cười rạng rỡ trên gương mặt chồng, tôi cảm thấy ấm áp, hạnh phúc. Ngàn lời cám ơn của tôi lúc này đều không đủ.

Theo phụ nữ TPHCM