Hội bạn thân chúng tôi đôi ba tháng gặp một lần, lần nào cũng rôm rả nhất chuyện tài chính gia đình. Mấy chị quả quyết: “Phụ nữ nhất định phải có quỹ đen”.
Hỏi quỹ đen lấy từ đâu, chị My bảo: “Tiền chợ, tiền làm thêm, thi thoảng lại cất đi một ít, chồng chẳng để ý đâu. Lúc nào cần biếu bố mẹ thì đỡ phải trình bày với chồng. Thích mua sắm gì cho bản thân mà có vẻ bốc đồng một chút, cũng không sợ lão kia ý kiến ý cò.”
Trong hội có Ngọc, điều kiện kinh tế của Ngọc không dư dả, thật thà kể: Lương lĩnh bao nhiêu hùn chung, một khoản chi tiêu và khoản nữa để trả nợ xây nhà. “Em chẳng có quỹ đen gì. Cần tiêu gì thì lấy tiền chung tiêu và cũng báo với anh ấy", Ngọc nói.
Ngọc cũng công nhận rằng như vậy đôi khi thấy ngột ngạt. Có khi hứng lên muốn mua cái đầm đẹp, nhưng lại ngại chồng nói phung phí nên thôi. Cũng có lúc về chơi với bố mẹ, định biếu ít tiền mà thấy không được thoải mái trước mặt chồng.
Gọi là “quỹ đen” nghe có vẻ... đen tối, nhưng thực tế nhiều cặp vợ và chồng đã ngầm hiểu mình và phía bên kia đều đang giữ một khoản dự phòng cá nhân, dùng trong những khi cấp bách.
Đồng ý rằng vợ chồng nên chia sẻ, minh bạch chuyện tài chính. Nhưng nếu cái gì cũng chung, cũng nói ra thì có phải là ngột ngạt quá không? Chi bằng, cho nhau chút khoảng trời riêng để mỗi người đều cảm thấy được là mình, trong chừng mực nhất định.
Chị bạn tên L. tiết lộ: “Chị tích được vài trăm triệu đồng rồi. Chồng chị chắc biết vợ có quỹ đen, nhưng anh không hỏi, cũng không nghĩ nhiều như thế.” Chị nói rằng đời chưa biết ngày mai ra sao, nếu có ngày chồng thay lòng hay hai người không chịu nổi nhau nữa, thì mình vẫn có cái vốn để phòng thân.
Có lần chị L. tự hào: “Ông bà ngoại vừa sửa gian bếp, mình dấm dúi đưa cho ông được năm chục triệu đồng. Nếu không có quỹ đen, lấy đâu ra mà cho bố mẹ mình nhiều thế. Nếu bàn với ông chồng, chắc ông cũng chỉ chi "xã giao" được chục triệu là cùng.”
Tôi thì nghĩ khác. Tuy ủng hộ lập quỹ riêng, nhưng tôi không nghĩ ra cảnh tiêu dùng cái quỹ ấy một cách “lén lút” như vậy. Chuyện cho biếu nội ngoại ra sao, vợ chồng nên bàn bạc và thống nhất. Bởi nhiều chuyện tưởng khéo giấu, mà rồi bằng cách nào đó cũng "lòi đuôi".
Thế rồi có hôm chị L. gọi cho tôi, nói đang cãi nhau với chồng. Chị vô tình đọc tin nhắn trong điện thoại, thấy tài khoản ngân hàng khác nhắn về số dư tỉ bạc. Chị mới tá hỏa hỏi anh. Anh bảo: “Anh để chỗ ấy, thi thoảng bạn bè cần hỏi vay cũng không cần hỏi vợ.”
Chị L. thấy đắng nghét, mất niềm tin. Chị nói chị không biết mình có ý nghĩa gì trong những tính toán của anh. Chị có đến nỗi nào đâu mà anh sợ chị không đồng ý cho bạn anh vay khi cần? Có lẽ, đó chỉ là một cái cớ...
Nhưng chị L. không dám nói nhiều, vì chột dạ nghĩ tới cái quỹ đen cũng không nhỏ của mình. Sau vụ cãi nhau, chồng chị chuyển số tiền riêng về tài khoản chung của hai người để chị quản lý, nhưng có gì đó đã khác đi giữa hai người. Không còn sự tin tưởng và gần gũi như trước, chị biết rằng, việc anh làm một quỹ đen mới là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo tôi, quỹ riêng là nên có, nhưng lý tưởng nhất là thông báo cho chồng/ vợ biết về cái quỹ ấy, dù có thể không cần cụ thể tới từng con số, từng món chi tiêu. Nó chỉ nên là khoản để mỗi người có một khoảng tự do tài chính, không nên tìm cách vun vén cho quỹ riêng này mà bỏ qua các trách nhiệm góp cho quỹ chung. Càng không nên tìm cách "bòn mót" tiền chung vào quỹ riêng, sớm muộn cũng... lộ bài, đổ bể hạnh phúc.
Nhưng đám em gái em con dì, con cậu từ lứa 9x trở đi luôn phản bác ý kiến tôi. Chúng nói đã thông báo thì đâu còn là quỹ đen nữa. Các em cho biết đã "share" (chia) tiền ăn với người yêu từ lúc mới quen, giao hẹn rằng nếu cưới nhau cũng tiền ai nấy giữ, chỉ nộp một con số gọi là vào tiền chi tiêu gia đình.
Tụi trẻ nói, như thế hạnh phúc mới lâu bền, trong khi cha mẹ ông bà chúng đều nói cất tiền riêng là tiền đề để đôi bên "sinh hư".
Chuyện tiền chung - tiền riêng, quỹ đen - quỹ đỏ giữa các thế hệ nhà tôi không bao giờ đi tới kết luận chung được. Còn chuyện nhà bạn thì sao?
Theo phunuonline