Các nhà nghiên cứu Brittany Solomon và Joshua Jackson (Đại học Washington, St. Louis, Mỹ) đã phân tích dữ liệu từ hơn 4.500 người đã kết hôn, bằng cách theo dõi mức độ thành công tại nơi làm việc. Những người tham gia cũng được đánh giá qua mô hình 5 tính cách Big Five, gồm hướng ngoại, sự dễ chịu, sự cởi mở, sự tận tâm và sự nhạy cảm.
Qua đó nhận thấy chỉ có sự tận tâm mới có tác động đến công việc, thu nhập và khả năng tăng lương, thăng chức của vợ hoặc chồng. Tận tâm ở đây có nghĩa là một người bạn đời cẩn thận, siêng năng, có tổ chức.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng những người có vợ/chồng tận tâm có thể yên tâm chuyện nhà cửa, con cái để có nhiều thời gian và năng lượng hơn tập trung vào công việc. Bất kể giới tính là gì, những người bạn đời này chính là một tài sản quý báu. Họ thậm chí có thể đóng vai trò là hình mẫu cho người còn lại hoàn thiện bản thân.
Nhà biên tập sách Andrew O’Connell đã viết về những phát hiện này cho Tạp chí Harvard Business Review, lưu ý rằng cứ mỗi độ lệch chuẩn tăng lên trong sự tận tâm của người vợ/ chồng sẽ giúp bạn đời kiếm được thêm 4.000 USD mỗi năm.
Đặc điểm thứ hai là "nền tảng an toàn". Thuật ngữ này ban đầu áp dụng cho mối quan hệ con trẻ với cha mẹ, nhưng các nhà tâm lý học ngày càng nhận ra vai trò của chúng trong mối quan hệ của người trưởng thành. Một nền tảng an toàn của người bạn đời có thể "hỗ trợ đáng tin cậy" đồng thời khuyến khích người kia dám "trải nghiệm và khám phá".
Khi sự nghiệp của bạn không ổn định, người kia với nền tảng tốt sẽ giữ cho cả hai an toàn và thúc đẩy bạn. Giáo sư Jennifer Petriglieri, người đã phát triển lý thuyết này sau khi phỏng vấn 113 cặp đôi cho cuốn sách "Vợ chồng cùng làm việc", gọi sự thúc đẩy này là một "cú hích yêu thương".
"Có một mối quan hệ dựa trên nền tảng an toàn không làm cho cuộc sống dễ dàng hơn. Nghịch lý thay, nó có thể khiến cuộc sống trở nên thử thách hơn. Khi có cơ sở an toàn ở đối tác, chúng ta có nhiều khả năng chấp nhận rủi ro và thử những điều mới mẻ", Jennifer nói.
Tất nhiên, trong một số cặp vợ chồng, chỉ có một người thường xuyên đóng vai trò là nền tảng. Các cuộc hôn nhân vẫn có thể diễn ra tốt đẹp, miễn là mỗi người bạn đời đều đồng ý với vai trò của mình. "Chồng/ vợ có thể không liên quan gì đến công việc của bạn, nhưng ảnh hưởng của anh ấy hoặc cô ấy rõ ràng là có", Solomon nói.
Đặc điểm thứ ba chính là chọn một người bạn đời hơi khó tính một chút. Những người này thường sẽ quyết đoán, tự tin và thích cạnh tranh, trong khi những người dễ tính có xu hướng xuề xòa, ít có tham vọng nghề nghiệp và động lực kiếm tiền hơn.
Một nghiên cứu khác, cũng do Brittany Solomon chủ trì phát hiện, những người đàn ông khó tính tự tách mình khỏi bạn đồng trang lứa, khi đã kết hôn họ kiếm được nhiều tiền hơn. Họ đưa ra giả thuyết có thể vì những người này ít phải làm việc nhà và chăm sóc con cái, do đó có nhiều thời gian hơn để thực hiện tham vọng nghề nghiệp.
Mặc dù đúng là một số nghiên cứu cho thấy rằng hôn nhân khác giới có nhiều khả năng kết thúc bằng ly hôn hơn khi người vợ kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng đừng quá suy nghĩ về điều này. Độc lập kinh tế luôn là điều đáng được hoan nghênh.
Nhìn chung, những nghiên cứu như vậy rất hấp dẫn, nhưng có hữu ích và có thể dùng để thay đổi người bạn đời không, các chuyên gia khẳng định là không thể. Song bất cứ ai đủ may mắn có được người bạn đời tận tâm, ủng hộ sự nghiệp mình và không quá bất đồng ý kiến thì đó chính là diễm phúc. Họ sẽ là đòn bẩy cho sự thành công sự nghiệp và cả gia đình của bạn.
Theo vnexpress