Chị Hạnh Dung kính mến,
Tôi vốn là “con cưng” trong gia đình, được mẹ và các chị tự hào và yêu thương hết mực. Vậy nên khi tôi lấy vợ, họ đổ xô vào soi xét rồi ganh tị với vợ tôi.
Có thể nói, vợ tôi là người phụ nữ hoàn hảo. Cô ấy giỏi buôn bán (cô ấy là tiểu thương ở chợ) lại giỏi quán xuyến nhà cửa, giỏi chăm lo chồng con. Ban đầu, gia đình tôi soi mói, bắt lỗi và làm khổ cô ấy rất nhiều; nhưng với bản tính giỏi giang, bị bắt lỗi ở đâu, vợ tôi khắc phục ở đó. Không còn bắt lỗi được nữa, họ chuyển sang… gây sự không cần lý do.
Đám giỗ ở nhà mẹ, vợ tôi chịu trách nhiệm nấu nướng. Cả nhà đều tới giờ ăn mới đến. Ngay cả mẹ tôi cũng không giúp, bà còn sai bảo khiến vợ tôi vừa phải chăm bà, vừa lo nấu đám.
Vào tiệc giỗ, cả nhà thi nhau chê bai, chỉ ra những thiếu sót li ti để chỉ trích. Tôi luôn bênh vợ, nhưng tôi càng giảng giải, họ càng bất chấp và lớn tiếng. Vợ tôi khuyên tôi không nên nói vào, nhưng mỗi lần cả nhà tụ họp, tôi lại không thể kiềm chế trước sự quá quắt của gia đình mình.
Sau một thời gian dài không thể “hòa giải”, tôi hạn chế để vợ gặp gia đình tôi. Chỉ còn một vài dịp quan trọng như giỗ ba, ngày tết, cô ấy vẫn phải xuất hiện. Và chỉ 2-3 lần gặp mỗi năm đã đủ “đả thương”, khiến vợ tôi day dứt suốt.
Phải thừa nhận rằng các chị và cả mẹ tôi đều có khả năng “thao túng tâm lý”, hành hạ tinh thần người khác. Không biết là may hay rủi, vợ tôi hoàn toàn nhẫn nhịn. Cô ấy không nói lại nửa lời, chỉ một mực thực hiện nhiệm vụ của một nàng dâu.
Nhưng mới đây, chứng kiến vợ mình đang bệnh vẫn phải lo đám giỗ cho ba chồng, lại chịu giày xéo của mẹ và các chị - tôi quyết tâm không để chuyện này tái diễn nữa.
Kế hoạch của tôi là cách ly hoàn toàn vợ ra khỏi nhà mình. Tôi không để cô ấy dự đám giỗ, không thực hiện vai trò nàng dâu, cũng không cần phải thăm mẹ ngày tết. Vợ tôi có vẻ nhẹ nhõm với ý tưởng này, nhưng cô ấy lại sợ “thất lễ”, sợ mình sai trái khi làm vợ mà không làm dâu.
Liệu việc tôi ngăn vợ về nhà chồng có gián tiếp khiến cô ấy mang tội bất hiếu?
Hoàng Hiệp
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Anh Hoàng Hiệp mến,
Những điều anh lo sợ đều chính đáng. Nhưng hãy thử nghĩ vào câu chuyện thực chất, thay vì chỉ nghĩ trên bề nổi những khuôn phép, hình thức.
Anh sợ sẽ khiến vợ thất lễ, không tròn vai nàng dâu và mang tội bất hiếu. Nhưng thực tế là trong mọi gặp gỡ trước nay, cô ấy chưa từng được “làm dâu”. Mỗi lần gặp nhà chồng, cô ấy trở thành đối tượng bị tấn công, bị bóc lột. Không biết vì lý do gì, nhưng qua lời anh kể thì vợ anh chưa từng được thực sự làm con, làm dâu trong gia đình.
Vậy thì, có cần tiếc nuối những gặp gỡ đó không - những cuộc gặp mà chị và mẹ anh vào vai những người vô tâm, vô tình, thậm chí cay nghiệt; còn vợ anh thì phải chịu ấm ức, cực khổ, tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần. Đó không phải là những cuộc gặp của những người thân và không ai đáng phải chịu đựng những cuộc gặp gỡ như vậy.
Anh cũng đã thấy, vợ anh đã nỗ lực suốt nhiều năm. Cô ấy đã cố gắng đến cùng, nhưng không thay đổi được tình hình. Vậy ta còn chờ đợi điều gì nữa? Việc anh chủ động “bãi bỏ” những cuộc gặp cực hình với vợ là hành động bảo vệ vợ đáng ghi nhận. Sau nhiều nỗ lực hàn gắn bất thành, cần nhận ra rằng, nếu không bảo vệ được mối quan hệ thì hãy bảo vệ từng người trong mối quan hệ đó.
Hạnh Dung luôn ủng hộ việc bảo vệ những điều tốt đẹp giữa mọi xung đột thay vì cứ buông xuôi, để mặc cho xung đột thiêu đốt tất cả. Mà ở đây, điều cần bảo vệ là sức khỏe và tinh thần của vợ anh. Nếu sống lâu trong cảnh đó, cô ấy rất dễ bị trầm uất.
Mong rằng chia sẻ trên giúp anh giải tỏa phần nào những bối rối. Với những điều mà nỗ lực đến kiệt cùng vẫn không được, ta nên từ bỏ hoặc tạm thời từ bỏ để “bảo toàn lực lượng”. Mừng vì anh đã có một người vợ giỏi giang, hiền dịu bên cạnh.
Theo phụ nữ TPHCM