Chiều chiều đám đàn ông trong xóm ngồi nhậu, cái bàn nhỏ kê vài món dân dã, có đậu phộng rang, có chuối chát, vài ba con khô nướng vội. Nửa chừng cuộc nhậu, ông Chín chia tay, nói về phụ vợ cất hàng, khoảng nửa tiếng sau, chú Tư cũng đứng dậy nốt, nói phải về đón sắp nhỏ đi học về. Bàn ăn ba người, thành ra ông Quân giờ lẻ loi, ông cũng đành đứng dậy bắt tay hẹn hôm khác mấy anh em ra giao lưu trận nữa.

Xóm này ai cũng biết ông Quân sống một mình, người lạ đến thì cảm thương ông đã ở tuổi xế chiều mà thui thủi. Còn người quen, cứ nhắc đến ông là họ thở dài chép miệng: “Nếu mà ngày xưa không sống tệ thì chắc có lẽ giờ cũng vui vầy con cháu, vui tuổi già với vợ. Ai bảo ngoại tình làm chi”.

Cái câu “Ai bảo ngoại tình làm chi?” không phải là một câu hỏi mà đúng hơn là một lời trách móc. Bởi ông cũng từng có một tổ ấm hạnh phúc, một người vợ giỏi giang, vén khéo, những đứa con ngoan ngoãn đang độ tuổi trưởng thành.

leftcenterrightdel
 Mặc dù trả giá đắt, không ít người vẫn sẵn sàng ngoại tình (Ảnh minh họa)

Đợt ấy, cái tin ông Quân ngoại tình khiến cả xóm xôn xao. Người ta bắt gặp ông kè kè ôm ấp một người đàn bà ở cái quán cà phê chòi - cái địa chỉ không mấy đàng hoàng. Rồi tin đến tai vợ ông, đến tai những đứa con. Căn nhà yên bình, tưởng chừng mẫu mực nhất xóm xảy ra trận tranh cãi nảy lửa, ông Quân sẵn sàng bỏ vợ, bỏ con để được vui thú với bồ.

Ba tháng sau lùm xùm, họ cũng ly hôn. Vợ con ông dắt díu nhau về miền Trung sinh sống, còn mình ông ở lại, cứ chiều chiều quần là áo lượt, nước hoa thơm phức ra cái quán chòi mờ mờ ảo ảo đó.

Cũng chẳng được bao lâu, ông Quân nhanh chóng cạn tiền. Số tài sản chia đôi sau ly hôn, ông sắm sửa cho cô kia vài món quà, mua ít trang sức, hỗ trợ “người đẹp” cái xe tay ga mới…  Tuổi xế chiều chẳng đi làm, nhà cửa chẳng vun vén nên dần dần ông càng túng thiếu. Cô kia thấy người bồ U50 của mình hết giá trị lợi dụng thì quyết liệt dỗi hờn, chia tay đủ kiểu. Rất nhanh, chỉ một tuần sau, ông Quân thấy người tình của mình đã tay trong tay với một người đàn ông khác. Quán cà phê chòi đó, ông chẳng dám lui lại vì tiền không có, tình cũng đã tan.

Lúc này ông mới bắt đầu hối hận. Nghe người quen nói vợ con ông giờ đang sống rất ổn. Tụi trẻ giận cha vì bạc tình nên cũng chẳng liên hệ hỏi thăm. Chúng chăm chút, đưa mẹ đi chơi khuây khỏa, quên đi những tổn thương mà ông đem đến. Hôm thì bà ấy đi chùa, hôm thì đi biển, đi ăn với các con, có đợt còn được con đặt vé bay nghỉ dưỡng, miễn là mẹ vui.

Ông Quân nhìn lại mình, tài sản chẳng còn gì ngoài mảnh vườn “hên là chưa bị dụ mất”. Chòm xóm thấy ông ngoại tình thì cũng chẳng mấy ai còn tôn trọng, thành ra ông chỉ còn vài ba người bạn cũ, lâu lâu ra ngoài uống chén rượu giải khuây. Lắm lúc nằm trong nhà, ông hối hận vô cùng vì ngày ấy đã phản bội vợ con, chỉ biết nuông chiều cảm xúc của riêng mình.

leftcenterrightdel
 Hối hận là cảm giác chung của nhiều người sau khi phản bội bạn đời (Ảnh minh họa)

Dạo này trở trời, ông Quân bị đau xương khớp trở lại, trước kia mỗi lần bị đau, các con đều gọi điện hỏi han. Tụi nhỏ đòi đưa ông đi bệnh viện khám đủ thứ, vợ ông cũng chăm nom đêm hôm. Còn giờ, hơn ai hết, ông đã thấm thía bài học của chính mình nhưng hối hận thì cũng đã quá muộn.

Chẳng riêng gì ông Quân mà nhiều người trẻ cũng “trả giá sớm” cho ngoại tình. Có người nói lúc đó như ăn phải bùa mê thuốc lú, người thì nói lỡ dại, lại có người đổ lỗi cho chính bạn đời: Tại em hay cằn nhằn, tại anh vô tâm, tại em không thấu hiểu...

Nhưng suy cho cùng, tại ai đi nữa thì cũng tại chính mình trước tiên, rằng mình đã không kiểm soát được bản thân, không có trách nhiệm với gia đình, không có bản lĩnh chối từ sự ham muốn…

Ai bảo ngoại tình làm chi để rồi có những kết cục đau lòng. Ở tuổi nào cũng vậy, cái giá của phản bội luôn đắt, chẳng những đánh mất những gì mình có mà còn mất luôn cả sự tử tế, đúng mực của bản thân.

Theo phunuonline.com.vn