Tưởng được cứu rỗi

Anh là kiến trúc sư, còn tôi công tác tại một cơ quan truyền thông. Sau 1 lần phỏng vấn anh, chúng tôi giữ liên lạc rồi tìm hiểu và kết hôn vào năm 2018, sau 7 tháng yêu nhau. Lấy anh, tôi - một cô gái 23 tuổi - cảm thấy rất may mắn và cả tự hào. Vì nhà tôi rất nghèo, ba tôi cờ bạc, nhậu nhẹt, lại ngoại tình, thường xuyên đánh đập mẹ và anh em tôi.

Cả tuổi thơ tôi sống trong nỗi sợ hãi, bất hạnh của mẹ và của bản thân. Do vậy, kết hôn với anh, tôi xem như sự cứu rỗi và vô cùng biết ơn chồng lẫn mẹ chồng.

Mẹ chồng cũng có nỗi đau tuổi thơ giống tôi và bà sớm ly hôn, một mình nuôi chồng tôi khôn lớn. Từ điểm chung này, tôi càng tin chúng tôi sẽ là một gia đình hạnh phúc, bù đắp nỗi buồn đau và mang niềm vui cho nhau.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Lấy chồng, tôi bỏ lại sau lưng chuyện không vui của quá khứ. Tôi nghĩ, giá trị nhất của cuộc đời tôi chính là cuộc hôn nhân này. Vì vậy, chồng và mẹ chồng nói gì, với tôi đó cũng là chân lý. Thậm chí, chồng không cho tôi chơi với bạn này, đồng nghiệp kia, tôi cũng không dám trái ý. Chồng kêu tôi nghỉ việc chỗ này và xin việc chỗ khác, tôi cũng nghe theo, vì nghĩ chồng và mẹ chồng luôn bảo bọc và muốn những điều tốt nhất cho tôi.

Tôi vẫn thường khoe hạnh phúc của mình với bạn bè và trên mạng xã hội. Tôi đi làm về, đã có mẹ chồng lo cơm nước. Tôi cũng nhiều lần vào bếp, nhưng mẹ hay ngăn “con vào làm vướng chân tay mẹ lắm”. Trong lúc mẹ chồng nấu cơm, tôi ngồi kế bên tỉ tê, tâm sự với mẹ đủ chuyện trên trời dưới biển. Con tôi được mẹ chồng chăm từng miếng ăn giấc ngủ.

Mẹ chồng luôn dặn tôi: “Để mẹ chăm cháu. Con đi ngoài đường về dễ mang mầm bệnh. Con cứ tập trung vào công việc”; còn chồng rất cưng tôi. Tôi đi chợ, siêu thị anh cũng đi cùng. Ai cũng khen tôi tốt phước và tôi cũng nghĩ vậy. Thật ra, thỉnh thoảng mẹ chồng hay chồng tôi cũng có những hành xử, lời nói làm tôi buồn, tổn thương; nhưng tôi đều tự gạt đi, nghĩ mình suy diễn tiêu cực.

Có lần, tôi mua bộ quần áo mặc ở nhà cho tôi và con gái với hình chú heo ngộ nghĩnh. Nhưng mẹ chồng không cho con tôi mặc vì “hình xấu xí, vải trông rẻ tiền”. Hay lần tôi được tặng hoa, đem về cho mẹ chồng cắm vì bà rất thích hoa. Thế nhưng, bà quăng vào thùng rác vì “đem hoa tầm bậy tầm bạ ngoài đường về là rước vong về nhà”…

Còn chồng tôi, mỗi lần công việc trục trặc, anh lại trút sự nóng nảy lên tôi, mà mỗi khi nóng là anh không kiểm soát được lời nói, chửi mắng, đuổi tôi đi và đòi ly hôn. Tuy nhiên, sau mỗi lần như vậy, anh đều xin lỗi, năn nỉ tôi bỏ qua. Tôi dù buồn, tổn thương, nhưng nín nhịn để nhà cửa êm ấm.

Hóa ra…


Nhưng chuyện gì đến cũng phải đến. Giữa năm 2022, dì ruột tôi bị ung thư gan di căn, tôi về quê thăm khi chồng chưa đồng ý (Anh muốn cuối tuần sẽ chở tôi đi, nhưng chồng hẹn hoài nên tôi quyết định đi một mình). Khi tôi trở lên thì anh quăng vali tôi ra cửa, đuổi đi. Tôi cũng nghĩ chồng nổi nóng như những lần trước nên im lặng.

Tuy nhiên, lần này chồng chửi suốt, kể cả đi làm cũng nhắn tin chửi qua điện thoại. Anh nhắc lại chuyện tôi bỏ bữa tối (ngày hay tin dì tôi bị ung thư) dù mẹ chồng, chồng nhiều lần kêu ăn cơm và mắng “mất dạy, xem thường nhà chồng”. Anh cũng lôi chuyện tôi “có bầu trước” với… anh và chửi: “Nếu mày không có bầu trước thì không có cửa bước vào nhà tao. Tao cưới là cứu vớt danh dự cho mày, gia đình mày, mà mày còn không biết điều, biết ơn”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Rồi chồng lại miệt thị khi tôi nói đang đi làm, không thể nói chuyện được: “Mày là lính quèn mà tưởng mình giỏi. Văn của mày ai thèm đọc mà lên mặt”.

Tôi giận, nhưng cố kiềm chế, nhắn lại: “Sao anh nặng lời với em quá vậy?”. Chồng thản nhiên: “Tao còn tử tế hơn cái thứ đẻ ra mày mà không có trách nhiệm với mày, để tao, nhà tao phải gánh mày”.

Rồi chồng lại: “Ly hôn. Mày dọn đồ biến khỏi nhà tao. Mày để con lại tao nuôi, còn mày đưa con theo thì mỗi tháng tao chu cấp 2kg thịt”. Mẹ chồng tôi biết hết những lời này, nhưng bà chẳng những không khuyên con trai mà còn bảo “2 đứa hết duyên rồi”.

Mẹ chồng mời ba mẹ tôi ở quê lên và thông báo trả tôi lại vì “dạy không được”, như trong phim xưa tôi từng xem. Bà tố tôi lười biếng, vô trách nhiệm, không nấu cơm, chăm con cái mà đùn đẩy cho mẹ chồng… Tôi ngớ người, hóa ra, lâu nay mẹ chồng không cho tôi vào bếp, không cho tôi chăm con vì tôi vô dụng, vô trách nhiệm, chứ không phải yêu thương tôi như con gái như bà nói.

Hóa ra, không phải tôi quá nhạy cảm hay bị trầm cảm sau sinh nên mới thấy mẹ chồng hành xử kỳ lạ, tổn thương tôi như tôi từng nghĩ. Hết mẹ chồng, đến chồng vạch tội tôi. Chồng cho rằng tôi tiêu pha hoang phí, không biết vun vén gia đình (trong khi tôi mua 2.000 đồng ớt cũng phải ghi vào bảng chi tiêu, gửi chồng hằng ngày), hỗn hào với chồng, mẹ chồng và lạnh lùng: “Con trả vợ cho ba mẹ ngay và luôn”.

Tôi uất nghẹn. Tôi khóc vì sự uất ức cho mình thì ít mà đau đớn vì đã để ba mẹ chứng kiến cảnh bẽ bàng, thảm hại này. Tôi rời nhà chồng với sự tủi hổ, hoang mang tột cùng. Tôi không biết ngày mai mẹ con tôi sẽ ở đâu, con tôi có bị sốc khi rời khỏi mái nhà quen thuộc? Liệu tôi có nuôi nổi con với 2 bàn tay trắng và mới chuyển chỗ làm.

Gần 4 năm lấy chồng, tôi chưa từng “thủ” gì cho mình. Thu nhập của tôi chồng quản và chúng tôi thỏa thuận: lương của tôi lo chợ búa, sinh hoạt hằng ngày. Còn lương của chồng để mua sắm những món lớn, hoặc khi có biến. Tuy nhiên, khi đuổi tôi đi, chồng nói chúng tôi không tích lũy được đồng nào, vì lương của 2 đứa chỉ đủ nuôi con.

Vòng tay cha mẹ

Trong lúc rối bời đó, ba tôi - người tôi luôn oán giận, ôm tôi vào lòng: “Không sao đâu con, có ba mẹ đây”. Tôi mướn 1 phòng trọ ở ngoại ô và 2 tháng đầu, ba tôi ở lại Sài Gòn chăm sóc cháu ngoại để tôi đi làm.

Sau đó, ba mẹ tôi đón cháu về quê, còn tôi cách ngày chạy về Tiền Giang thăm con. Tôi lao vào làm việc, ngoài việc ở cơ quan, tôi nhận viết content (nội dung) cho các sản phẩm, doanh nghiệp, thu âm đọc thông tin cho các kênh, trang mạng…

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock


Tôi “cày” như điên và niềm vui của tôi không chỉ là thu nhập tốt, mà được đồng nghiệp, khách hàng khen viết tốt, có bản sắc, giọng hay, truyền cảm, làm chuyên nghiệp. Khi đó tôi mới nhận ra năng lực, giá trị của bản thân.

Những ngày đầu bị đuổi khỏi nhà chồng, tôi bị giày vò bởi suy nghĩ “tôi sai, tôi có lỗi nên gia đình mới đổ vỡ”. Tôi còn hồn nhiên đến mức không biết chồng đã ngoại tình cho đến lúc chúng tôi ly hôn, anh công khai đăng những hình ảnh 2 người tình tứ, đi du lịch cùng nhau khi tôi đang ở cữ.

Suốt 4 năm chung sống cùng nhà chồng, tôi như người không có não, mọi chuyện ăn, mặc, mối quan hệ, việc làm của tôi đều do chồng, mẹ chồng quyết định và tôi xem đó là sự bảo bọc, yêu thương nên tôi luôn hàm ơn. Còn chồng, mẹ chồng nói gì cũng hiển nhiên đúng. Do vậy, khi mâu thuẫn xảy ra, tôi luôn bị mặc định mình là người có lỗi. Và qua lời của mẹ chồng, chồng, tôi cũng quen với suy nghĩ: nếu không có họ, tôi không thể làm được gì.

Giờ đây, 2 năm sau biến cố, dù cuộc sống vẫn còn khó khăn, tôi thật sự rất vui, hạnh phúc khi mình được là chính mình, được làm công việc mình yêu thích, được tự quyết định mọi việc của đời mình. Còn những chuyện không vui, cũ, hay mới (chồng cũ vẫn thường xuyên nhắn tin cà khịa, mỉa mai tôi bất tài, dốt nát và “mày quen ai nhớ đừng để dính bầu nghe, không có ai tốt cưới mày như tao đâu”), tôi không bận lòng.

Tôi chỉ trả lời anh 1 lần: “Cảm ơn anh đã bỏ em khi em 27 tuổi, để em kịp làm lại từ đầu và có cuộc đời thoải mái như hiện nay”.

Theo phụ nữ TPHCM