leftcenterrightdel
Cứ loay hoay đi tìm chứng cứ, vừa tổn hao thời gian, tâm trí, tiền của vừa lãng phí năng lượng sống của mình (ảnh minh hoạ)

Đọc bài Chứng cứ ngoại tình đâu?, tôi bức xúc với những điều được nhắc đến trong bài viết, cụ thể là sự bất cập của luật pháp trong việc xác định tội danh "ngoại tình".

Luật pháp bất cập, thiếu tính thực tiễn đã đành, nhưng người ta có thực sự cần đến chứng cứ ngoại tình để kết thúc hôn nhân không, khi sự phản bội trên thực tế đã rành rành ra đó?

Không như các loại tội danh khác, chứng cứ vi phạm về hôn nhân gia đình không chỉ khó xác định mà còn dễ bị đối tượng bao biện hay đổ thừa cho một lý do khác, thậm chí nạn nhân còn có khả năng bị lật ngược tình thế bằng các lý do như ghen bóng gió, suy diễn, tin lời người khác đồn đại hơn là tin bạn đời... 

Thực tế, trừ những người quá ngây thơ, mù quáng, đến mức bị "cắm sừng" mà không biết, còn lại hầu hết chúng ta đều có thể cảm nhận người kia đã phai nhạt hoặc cạn tình với mình.

Biểu hiện ở đối phương chắc không khó để nhận ra: xao lãng chuyện phòng the, chăm sóc nhà cửa, con cái, thu nhập giảm, hay vắng nhà ngoài giờ làm việc, dễ cáu gắt vô cớ, hay chê bai, luôn kè kè cái điện thoại... Nói chung người trong cuộc, nhất là phụ nữ thường tinh tế, nhạy cảm, trực giác hay giác quan thứ 6 luôn khiến họ cảm nhận dễ dàng những thay đổi ở kẻ ngoại tình.

Đa phần những vụ nhùng nhằng không ly hôn được là do "chính chủ" còn lấn cấn gì đó, chưa nỡ dứt áo ra đi, phụ thuộc tài chính, sợ cô đơn, sợ con sống trong cảnh thiếu cha/mẹ, sợ thị phi, không chia tài sản được... chứ không hẳn do thiếu chứng cứ ngoại tình của đối phương.

Trừ phi họ cố ý tìm chứng cứ ngoại tình để được xử ly hôn theo hướng có lợi (được giao quyền nuôi con, được chia tài sản nhiều hơn, được yêu cầu cấp dưỡng nuôi con...), còn khi đã muốn đoạn tuyệt, nếu xét thấy đối phương không có ý "hối cải" cũng như hôn nhân không còn cứu vãn được thì đơn phương ly hôn không hề khó.

Thay vì đợi pháp luật hoàn thiện, hãy dựa vào lý trí của mình. Đó mới chính là vị quan toà công minh, sáng suốt, mà đôi khi vì quá nhu nhược, lệ thuộc hoặc bi luỵ mà chúng ta bỏ qua sự phán xét của lý trí.

Thường, sự dễ dàng tha thứ sẽ khiến kẻ ngoại tình lờn mặt và tái phạm. Nếu nạn nhân đủ cứng rắn để có biện pháp mạnh hoặc sẵn sàng ly hôn không khoan nhượng ngay cả khi không có chứng cứ theo luật định, thì tôi tin rằng, chắc chẳng ai dám xem thường người bạn đời. Lúc ấy pháp luật có yêu cầu chứng cứ hay không cũng đâu quan trọng.

Tôi nghĩ, "Ví dầu tình bậu muốn thôi" thì chẳng nên níu kéo. Bởi một bên khăng khăng đòi trưng ra chứng cứ ngoại tình, bên còn lại cứ loay hoay đi tìm chứng cứ, vừa tổn hao thời gian, tâm trí, tiền của vừa lãng phí năng lượng sống. 

Theo phụ nữ TPHCM