Không ít đàn ông và cả phụ nữ đã có con tự cho mình quyền phán xét và đánh giá nhân phẩm của những người không có con. Lời nói, hành động hối thúc, miệt thị ngỡ như vô thưởng vô phạt đã gây tổn thương tinh thần cho biết bao người và gia đình, đặc biệt với những phụ nữ hiếm muộn.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Đàn bà vượt cạn mồ côi...
Cuộc đời này, hẳn ai cũng có điều nào đó không trọn vẹn hoặc chưa hài lòng và thường họ sẽ giấu đi vì nhiều lẽ. Nhưng Hoài Thương lại muốn bộc bạch hết tâm tình cho người khách hàng bên cạnh biết. Chắc cô mong có ai đó hiểu mình, muốn nói để thôi buồn tủi.
Thương kể cô kết hôn với Thế Trường đã gần 6 năm; vợ chồng trước lúc cưới xác định kế hoạch 2 năm sau mới có em bé. Tuy nhiên, vì áp lực mong cháu từ nội - ngoại, vì bạn bè cưới cùng thời điểm đều đã có con nên cả hai quyết định thuận theo tự nhiên.
Có lần, cô nghe lỏm ba mẹ chồng nói với nhau: “Không rõ con dâu có sinh con được không nữa?”. Trường cũng thấu hiểu và bênh vực vợ, nhưng Thương vẫn chịu áp lực tâm lý cực kỳ lớn. Họ nghiêm túc tìm cách mang thai, nhưng đến nay Thương vẫn chưa thấy tin gì, đi khám mới hay Thương hiếm muộn và được chỉ định làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Thực ra, Thế Trường vẫn rất chiều chuộng vợ, anh không mặn mà lắm với ý định có con trong khi Thương lại thèm hơi con nít.
Ngôi nhà họ đang sống đã từng rất vui vẻ nay có cảm giác nguội lạnh, Thương bảo do vắng tiếng cười của trẻ. Mỗi ngày, cô lại suy nghĩ và sợ đối mặt với những câu hỏi từ người xung quanh. Vợ chồng từ đó cũng bất đồng với nhau nhiều thứ.
Thương vẫn khát khao một đứa con vì sợ không có con sau này chồng phụ bạc và sẽ cô đơn, hiu quạnh lúc về già. Đây là lần thứ ba trong 2 năm cô xin nghỉ để đi bệnh viện tìm con. Thương đi trong nỗi đau cô quạnh đàn bà, trong ám ảnh mình “vô dụng”. Cô từng có một gia đình với người chồng thương yêu hết mực, nhưng cô sợ phải bằng lòng trước phận đàn bà không con. Càng mong con, càng mơ mộng với thứ mình chưa có, cô càng mệt mỏi, thấy mình bất hạnh và thiếu thốn khôn cùng.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Ước mình lành lặn như người "biết đẻ"
Trọng Thành thương An Khuê khi anh đưa cha đi bệnh viện rồi gặp cô đang chạy thận. Không như những cô gái khác, An Khuê thích đếm những ngày vui hơn ngày buồn; hối hả như thể cô sợ mình sẽ chết một ngày không xa với căn bệnh mạn tính đang mang trong người.
An Khuê gầy guộc từ nhỏ, chẳng được mấy ai chú ý. Cô thấy mình lạ lẫm, khác biệt, xấu xí và trông thật thảm hại. Tròn 18 tuổi, Khuê bắt đầu hành trình chạy thận thường xuyên chỉ để cứu lấy cơ thể chứ chẳng hề dám sống, yêu ai trọn vẹn. Vì biết cuộc đời ngắn ngủi, chẳng thể sinh được con hay yêu đương hứa hẹn lâu dài nên An Khuê hồn nhiên sống hết mình có thể.
Thành thương Khuê, muốn được cùng cô đi đến tận cùng cuộc sinh tử. Ngược lại, Khuê yêu Thành vì anh chấp nhận cô như một phụ nữ “bình thường” - là được yêu, được xây dựng gia đình, được chú ý và được thuộc về.
Lấy Thành, Khuê không còn cảm giác là người đứng bên lề xã hội và chạy đi trong cơn hấp hối. Lấy Thành, cô còn có cảm giác mình được người ta lựa chọn mà không phải đứng nhìn và ước ao. Nhưng rồi tự dưng Khuê buồn vì muốn làm nhiều hơn cho người mình yêu mà không được; từ đó cô có cảm giác mắc nợ anh và mắc nợ cả sự hiện diện của bản thân trên cõi đời này.
Sau cuộc phẫu thuật ghép thận định mệnh, An Khuê hồi sinh. Nhưng Khuê luôn tự giày vò Thành chưa bao giờ yêu cô thực sự.
Anh thương hại cô, hay đúng hơn, anh dựa vào cô để thấy mình là người đàn ông bao dung, mạnh mẽ. Khuê vẫn nghĩ phải có một đứa con để giữ chồng - giữ sự bình thường. Đối với Khuê, bình thường là khi mình có chồng, có gia đình, có con, nếu không sẽ cô đơn lắm. Mà ngay cả khi người đó không còn yêu mình, trong lưng chừng cảm giác cô đơn đó, mình cũng được giống người ta.
Khuê ước mình lành lặn như người… biết đẻ.
|
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto |
Ngừng trói buộc bản thân vì định kiến
Rất nhiều người trong chúng ta cố gắng cả đời cũng không thể tìm thấy tình yêu chân thành, vì chúng ta đã thỏa hiệp với cuộc sống trước khi tình yêu ấy xuất hiện. Dưới sự thúc giục của mọi người và sự tự ám thị chính mình rằng “đàn bà con gái mà không sinh con là vô dụng”, phụ nữ tự trói buộc mình với một người mình không yêu hoặc tự đặt mình ở vị trí thấp hơn, kém hấp dẫn so với người đối diện chỉ bởi họ cho bạn cảm giác được chấp nhận.
Người tử tế không ai tự cho mình có quyền hơn người rồi dìm người khác xuống. Ở bất cứ thời điểm nào, phụ nữ có quyền quyết định sinh hoặc không sinh con. Với phụ nữ hiếm muộn càng cần sự tinh ý của mọi người và cần được đối xử tôn trọng.
Người ngoài hay thậm chí cha mẹ cũng đừng thúc giục hay hỏi han quá nhiều về chuyện sinh đẻ của phụ nữ, bởi chỉ họ mới hiểu rõ sức khỏe và khả năng của mình thế nào.
Phụ nữ như Hoài Thương hay An Khuê luôn nghĩ bản thân khiếm khuyết nên không dám hạnh phúc hoặc có hành động thỏa hiệp, nhượng bộ. Ước gì, trong đời, ai cũng thấy những điều chưa trọn vẹn của nhau; ước gì, khi nhận ra mình không hoàn hảo, không thể thay đổi và bằng lòng với bao điều đã có thì cuộc sống sẽ đáng yêu hơn nhiều.
Vậy nên, phụ nữ chẳng cần thương hại, phụ nữ chỉ cần dũng khí để sống cuộc đời của mình - một cuộc đời có đôi phần chưa trọn vẹn.
Theo phụ nữ TPHCM