Vợ chồng tôi cưới nhau đã 5 năm, có một con gái 2 tuổi. Trước kia, vợ chồng đều đi làm thuê, công việc khá thuận lợi nên chúng tôi dành dụm được một số vốn.
|
Gia đình chúng tôi đã có lúc rất hạnh phúc (ảnh minh họa) |
Chồng tôi là người nhạy bén, biết nắm bắt cơ hội nên anh bàn với tôi, thay vì dùng số tiền tiết kiệm mấy năm nay để mua nhà, sau đó tiếp tục “cày cuốc” trả góp thì mình dùng tiền đó để mở công ty và bắt đầu khởi nghiệp. Anh phân tích rằng anh làm thuê cho công ty cũ đã lâu cũng biết hết đường đi nước bước và có mối mang. Không lo thiếu hợp đồng.
Tôi đồng ý và chúng tôi đã dành ra một số tiền dự phòng. Trong thời gian đầu khởi nghiệp khó khăn, chúng tôi vẫn có tiền để trang trải sinh hoạt và trả tiền thuê nhà. Tôi yên tâm và tin tưởng vào khả năng lèo lái của chồng. Sau khi tính toán chu đáo thì anh nộp đơn nghỉ việc để khởi nghiệp, còn tôi vẫn duy trì công việc để phòng rủi ro. Mặt khác, tôi dồn sức giúp công ty anh vì chuyên ngành của tôi là kế toán.
Tuy nhiên mọi việc không được suôn sẻ như tính toán. Vừa khởi nghiệp, chúng tôi gặp ngay giai đoạn suy thoái kinh tế. Ban đầu, chồng tôi lạc quan tin tưởng kế hoạch của mình và dự trù tài chính cho 2 năm để công ty có thể tự "nuôi", nhưng cả tôi và anh đều không ngờ tình hình quá tệ, đã hơn 2 năm mà vẫn phải bù lỗ.
Số tiền dành cho chi phí sinh hoạt gia đình đã cạn. Mấy tháng nay tiền thuê nhà, tiền chợ, tiền sữa cho con, tiền hiếu hỉ… đều trông vào lương của tôi. Trong khi lương của tôi thì không cao nên gia đình lúc nào cũng ở trong tình trạng "mém hụt".
Điều đó làm tôi lo lắng và áp lực, người tôi như bong bóng bơm căng lúc nào cũng chực nổ. Đi làm ở công ty xong về nhà bù đầu với chợ búa cơm nước. Con nhỏ mới hơn 2 tuổi đôi khi rất chướng, khóc nhèo nhẽo. Nhiều lúc tôi đau đầu, không kiềm chế được nên la lối quát tháo chồng con.
|
Những trận cãi nhau ngày càng leo thang (ảnh minh họa) |
Đã thế, chồng tôi lại có bệnh sĩ. Nhà khó khăn mà bạn bè rủ đi gặp gỡ nhậu nhẹt anh vẫn tham gia, nếu đi có các bạn nữ nhiều là anh thanh toán toàn bộ như ngày còn xông xênh.
Tuy tần suất không dày, nhưng những bữa nhậu như vậy tốn đâu ít tiền, trong khi gia đình đang khó khăn. Những buổi anh đi tụ tập về, tôi uất ức không chịu nổi. Chúng cãi nhau khi anh bảo: "Ai lại để cho phụ nữ trả tiền! Mất mặt lắm! Xưa giờ các bạn ấy quen với việc anh trả tiền rồi".
Ngoài ra, trong số những cô bạn thân của anh, có người trước đây mượn anh một số tiền vài chục triệu, hơn 3 năm rồi chưa trả lại, nhưng vẫn gặp nhau anh vui vẻ và không đả động gì đến món nợ. Trên Facebook, tôi thấy cô ấy có tiền đi du lịch suốt, tôi hối anh đòi nợ, anh ngại cứ bảo: "Lúc nào có nó trả! Đòi kỳ lắm!".
Tôi biết anh cũng đang cố gắng. Không chỉ việc công ty, ngay với việc nhà anh cũng cố gắng làm và nhường nhịn tôi, nhưng tôi thấy sự nóng nảy của mình ngày càng leo thang, chung quy cũng bởi túng thiếu tiền mà anh thì sĩ diện và cả nể.
Tôi biết rõ mình xấu xí trong mắt chồng, tôi thực sự không muốn là người phụ nữ cáu bẳn, khó tính, chỉ là tôi quá căng thẳng và không biết bao giờ mới thoát khỏi tình trạng túng thiếu này.
Theo phụ nữ TPHCM