Chị Hạnh Dung ơi,

Em là một cô gái ưa sạch sẽ, ít khi ăn uống bên ngoài. Lúc ở với bố mẹ, hay ra riêng tự lập, em đều chăm chút nhà cửa bếp núc sạch sẽ gọn gàng. Em lấy chồng, chồng em là người có tâm tính rất tốt. Nhưng nếp sinh hoạt nhà anh ấy rất bừa bộn, cẩu thả.

Em dọn dẹp bếp sạch sẽ thế nào, một ngày sau cũng có người bày bừa lộn xộn. Mẹ chồng em nấu ăn khá ẩu và mất vệ sinh. Ví dụ, mẹ có thể dùng 1 cái chảo chiên xào nhiều ngày không tráng rửa. Em mang đi rửa thì mẹ la, nói rằng phần dầu thừa trong chảo để tận dụng cho lần sau.

Thức ăn mẹ rửa sơ đúng 1 nước rồi đem chế biến. Khăn lau chén mà mẹ quơ lau bàn luôn rồi thảy vô máy giặt. Em xin nấu ăn, đứng bếp, mẹ không vừa ý, em nấu món nào mẹ cũng chê không ăn được, chê em nhà quê, căng thẳng lắm.

Chồng em bảo em nên lùi lại. Mẹ là đầu bếp bán quán ăn tại nhà, mà em giành phần nấu sẽ làm mẹ cảm thấy mất vai trò. Hãy để cái bếp là chủ quyền của mẹ. Em bị stress mỗi chuyện này ạ.

Sau đó em và chồng mua nhà ra riêng. Mỗi tuần em ghé thăm mẹ ít nhất 4-5 bận, cố gắng tạo tình cảm thật tốt. Mẹ chồng em cũng hết giận chuyện em ra riêng khi em có bầu. Mẹ hay kêu em về nấu ăn tẩm bổ cho em, hoặc mua đồ ăn bỏ bịch nilon đem đến.

Em không muốn ăn thức ăn bỏ bọc nilon, nên hay lấy lý do ốm nghén không ăn. Chồng chở em về nhà mẹ chơi, vẫn thấy mẹ chiên xào trong 1 cái chảo có lẽ không bao giờ rửa, góc bếp đầy phân gián chuột.

Nhà chồng em không phải là khó khăn. Nhà rất rộng rãi và buôn bán tấp nập phía trước, có cả người phụ làm. Nhưng dường như mọi người thấy rất thoải mái với việc bày bừa, ít dọn dẹp. Mẹ chồng em còn nói mấy lần em dọn nhà, bà thấy căng thẳng vì nhìn vô tưởng bị trộm lấy hết đồ.

Em lại tìm mọi lý do để không ăn đồ mẹ nấu. Mẹ buồn, chồng buồn, ba chồng cũng có vẻ giận. Anh em chồng góp ý, nói em dù gì cũng ráng ăn, chứ không ăn là hư hỗn đó. Em thương mẹ, nhưng em không ăn đồ ăn mẹ nấu được. Chị Hạnh Dung có kế sách gì chỉ em với ạ.

Mai Mai

Em Mai Mai thân mến,

Có một điều quan trọng mà Hạnh Dung mong em nhận ra để thực hiện nó sao cho khéo léo, tinh tế. Đó là lời khuyên của chồng em: "Em nên lùi lại. Mẹ là đầu bếp bán quán ăn tại nhà, mà em giành phần nấu sẽ làm mẹ cảm thấy mất vai trò. Hãy để cái bếp là chủ quyền của mẹ".

Mỗi người nội trợ sẽ có những thói quen, bí quyết, sự tự tin, niềm đam mê yêu thích riêng trong căn bếp của mình. Cái bếp là nơi tạo nên rất nhiều điều quan trọng cho cuộc sống của họ, nên việc xác định chủ quyền của họ ở đây là chuyện đương nhiên.

Thay đổi thói quen và "chèn ép" biên giới chủ quyền đó của một người đàn bà là vô cùng khó khăn. Mà khi người ấy đã lớn tuổi thì lại càng khó khăn hơn. Bởi những thói quen đó đã được tích lũy qua năm tháng. Cả tính cách, cảm xúc cũng không thể thay đổi, lại càng không thể thay đổi bởi một cô con dâu. Chuyện đó chẳng có gì khó hiểu.

Vậy, kế sách để vượt qua chuyện này, chỉ có thể là những thay đổi từ phía em. Có một điều hết sức lợi thế cho em bây giờ là em đang ở riêng. Nếu quá khó chịu, ngán ngại, thì em có thể cùng chồng dành một ngày cuối tuần để thăm mẹ là đủ.

Thay vì chạy về nhà mẹ 4-5 bận/ tuần, em có thể đón mẹ qua nhà em chơi, để mẹ được ngắm cái bếp thơm tho, sạch sẽ của em. Hãy khoe với mẹ những món đồ bếp núc xinh xắn, và dụ để mẹ đồng ý cho em tặng mẹ.

Khi mẹ qua nhà em em, nếu mẹ thích nấu thì cứ để mẹ nấu, em phụ, hay là chính em nấu cho mẹ ăn những món đơn giản, dưới sự hướng dẫn của mẹ... Tạo cho mẹ cái nhìn mới, thói quen mới, bắt đầu từ góc riêng của em là một cách mà chị nghĩ em nên thử.

Những ngày về chơi với mẹ, em hãy cố gắng giữ sự tự nhiên, thậm chí tôn trọng những món ăn của mẹ. Hãy tham gia vào việc nấu ăn, giúp mẹ dọn dẹp từng chút, từng chỗ một. Đừng ra mặt chê bai, nhấm nháp cái này một chút, cái kia một chút. Cả tuần, có ăn dơ một chút, chắc cũng không đến nỗi hại cho sức khỏe đâu em.

Hãy cố gắng tranh thủ sự trợ giúp của chồng trong việc từ chối hay lựa chọn những gì mình có thể ăn được. Không ăn các món ăn của mẹ chồng, không có nghĩa là hư, hỗn. Nhưng thái độ, cách thể hiện sự từ chối, sự phản ứng với thói quen sống của gia đình chồng mới là điều quan trọng.

Khéo léo, nhẹ nhàng một chút là việc em cần phải làm cho được. Tạo cho mọi người những thói quen mới, cách sống mới thì rất cần kiên nhẫn trong một thời gian dài. Đừng nghĩ là mình đúng thì có quyền thể hiện bất cứ thái độ nào. Cả nhà khó chịu, buồn với em, thậm chí cho rằng em hư, hỗn, thì có thể là em có gì đó ra mặt hơi quá chăng?

Hạnh Dung nghĩ chẳng ai lại sợ, ghét, dị ứng với sự sạch sẽ, vệ sinh cả. Quan trọng là cách mình làm thế nào để mọi người đồng tình, vui vẻ với mình thôi.

Theo phụ nữ TPHCM