1. Một người vợ hễ cứ giận chồng là đùng đùng lên mạng tìm kiếm mẫu đơn ly hôn. Suốt sáu năm hôn nhân, chị viết đến mười hai lá đơn, nhưng rốt cuộc vợ chồng vẫn chẳng thể chia tay. 

Những lá đơn ly hôn giống như trò đùa, đưa ra chỉ để được nhấn mạnh hơn câu nói: “Tôi không muốn sống cùng một người tệ bạc/vô tâm/không biết suy nghĩ… như anh nữa”. Nhưng khi cơn giận chỉ còn là tro tàn, lá đơn lại được cất vào đáy tủ. Mọi chuyện cứ như một vòng lặp, quay mãi không hồi kết.

2. Một người đàn bà mỗi lần phát hiện ra tin nhắn của chồng với một cô gái khác là muốn lao vào cấu xé, chửi bới chồng. Những trận giằng co, đổ vỡ cứ thế kéo dài triền miên, mỗi đợt như vậy có khi kéo dài nửa tháng, cũng có đợt đến cả năm trời. Lần nào chị cũng nói chồng là đồ khốn nạn, cũng đe dọa rằng chị sẽ tìm đến công ty của chồng để làm rõ “bộ mặt” chồng. Chị cứ nói mọi thứ hết rồi, chẳng còn gì để cố gắng nữa và làm mọi cách kiểm soát chồng. Chồng mệt, còn chị kiệt sức sau mỗi lần chị giãy nảy lên, nhưng dừng lại thì không thể.

3. Một người mẹ luôn lớn tiếng gắt gỏng trong nhà với mọi thứ. Con cái làm gì sai, chị cũng không chấp nhận được, mà phải liên tục đòi “cho vào khuôn khổ”, rèn mọi kỹ năng cho con răm rắp như rô bốt. 

Chị cũng “ngứa mắt” với mọi thứ liên quan đến chồng, chồng làm gì chị cũng không ưng nên thường sẽ đay nghiến “sửa lưng” anh từng chút một. Nhưng nếu chồng ngồi yên, chị cũng không chịu được mà sẽ phải lao vào để mắng, để nhờ vả. “Tại sao trong cái nhà này, tôi luôn phải là người nói mãi, nói mãi mà không ai chịu thay đổi gì?” - chị thường rũ rượi gào lên.

Sự bình yên như cái cây, cần tưới tắm, chăm sóc mỗi ngày (Ảnh minh họa)
Sự bình yên như cái cây, cần tưới tắm, chăm sóc mỗi ngày (Ảnh minh họa)

Nếu nhìn quanh sẽ thấy rất nhiều người đàn bà như thế. Những người đàn bà nói nhiều, như thể luôn độc miệng với mọi thứ, muốn lao vào tranh đấu để trừng phạt người khác thì cuộc đời mới yên. Đôi khi họ cảm thấy bản thân như có một nhân cách xấu xí khác thức dậy và chiếm quyền điều khiển mọi hành vi, lời nói. Để rồi họ sớm hối hận thấy mình đã sai khi để lời nói đẩy mọi chuyện quá xa, thậm chí còn rủa người khác những điều mà bản thân ghê sợ. Nhưng họ lại không thể dừng lại được những hành động bộc phát.

Tôi nhớ đến hình ảnh của những đứa trẻ chưa biết cách để diễn đạt cảm xúc. Những đứa trẻ chỉ biết gào khóc khi đòi mẹ mua cho một món đồ chơi hoặc hét toáng lên, lao vào trả thù người bên cạnh, dù vô tình bị đau, nhìn vào vết thương của mình mà chỉ cố đổ lỗi, bắt vạ người khác…

Hay nhẽ ra, một đứa trẻ cần phải nói con bị đau hoặc con cần được chăm sóc thì lại la toáng lên để gây sự chú ý. Liệu có phải khi một người đàn bà dùng âm lượng cực đại cho giọng nói hay hành động của mình thì cũng là khi họ giống một đứa trẻ cần được lắng nghe?

Tổn thương càng lớn, tiếng nói càng to. Những lá đơn ly hôn đưa ra rốt cuộc cũng chỉ là một lời đe dọa, bởi họ nào muốn ly hôn. Những cuộc cãi vã, trừng phạt và kiểm soát cũng chỉ bởi họ đã quá đau, mất sạch niềm tin, nhưng bất lực trong việc chấm dứt nỗi đau hay cứu vớt niềm tin. Những quát tháo, sửa đổi cũng chỉ bởi họ chưa từng được chấp nhận những sai sót của mình nên chẳng biết cách để bao dung với người khác. Âm thanh chát chúa bên ngoài suy cho cùng lại là tiếng vọng từ bên trong.

Nếu một người phụ nữ luôn được chăm sóc đủ đầy, biết nhìn sâu và chấp nhận những tổn thương của mình thì họ sẽ không còn gào thét lên để nói những điều không thật với lòng mình nữa. Nên nếu ở cạnh những người đàn bà vốn đã mang theo tổn thương, ai đó sẽ cần phải nhún nhường và hiểu chuyện một chút để cùng họ băng bó, chữa lành. Trong trường hợp cứ muốn gào lên để phân định thắng thua, những gì có được cũng chỉ là ngọn lửa thiêu cháy cả đôi bên. Hai con nhím nếu cùng xù lông lên và lao vào nhau thì dù lòng có thương nhau đến mấy cũng hóa thành đau đớn.

Và với một người phụ nữ, điều quan trọng nhất để có thể giảm bớt dung lượng cho tiếng nói của mình vẫn là sự tự mình chăm sóc cho đời sống cá nhân. Không có gì sai khi mong cầu sự vỗ về, xoa dịu từ đối phương, nhưng trách nhiệm chăm sóc vết thương lòng vẫn luôn là của chính mình. Cách mỗi người phản ứng với vết thương là cách lựa chọn giá trị cho cuộc sống. Gầm gừ, hét lớn thì nuôi dưỡng khổ đau, thù hận. Dịu dàng, điềm tĩnh thì mang đến hạnh phúc, bình yên. 

Theo phụ nữ TPHCM