Cậu tôi gần 80 tuổi, trước đây cậu sống cùng vợ và con trai út. 3 cô con gái đầu đã lần lượt lập gia đình, sống gần nhà cha mẹ.
|
Chị em bất hòa, sức khỏe cha mẹ giảm sút rõ rệt (ảnh minh họa) |
Đợt sốt đất năm ngoái, cậu xén bớt mảnh vườn phía đầu hồi bán được gần 500 triệu đồng. Sau đó, không biết do tư tưởng trọng nam khinh nữ hay còn nguyên nhân nào khác mà cậu chẳng bàn bạc với ai, đem gói ghém tất cả số tiền trao tay gọn ghẽ cho người con trai.
Biết chuyện, chị em bất hòa, gia đình bắt đầu nổi sóng gió, sức khỏe của cậu cũng vì thế mà kém sút đi nhanh chóng. Mỗi ngày, mấy chị em gái thay nhau qua nhà cậu nhiếc móc, chửi bới:
"Từ nhỏ đến lớn, cái gì ba cũng ưu tiên thằng Út. Từ miếng ăn, chiếc bàn học đến chiếc xe đạp. Cái gì tốt, cái gì xịn cũng mặc nhiên của nó, những người khác không được đụng vào càng không có quyền kiện cáo”, người con gái đầu nói.
“Mỗi lần cả đám chơi chung, thằng Út tự nhiên khóc nhè, ba chưa cần hỏi lý do, đúng sai lỗi phải đã lôi ba đứa tụi con ra đánh, chỉ có nó được dồn vào bếp để mẹ dỗ dành, lấy cho đồ ăn ngon”, người con gái thứ hai ấm ức.
“Cũng là con như nhau, nhưng cứ phần thua thiệt là con gái chịu, còn đứa con trai thì như ông vua ông tướng trong nhà. Ba thử nhớ lại đi, có phải mỗi lần mẹ đau, cha ốm thì chúng con, những đứa con gái mới là người chạy tới để lo lắng, chăm sóc, cơm bưng nước rót đầu tiên?", cô Ba tiếp lời.
Những lý lẽ các con đưa ra không sai, nên cậu mợ tôi chẳng thể đáp lại. Ngày tháng trôi qua, 2 người chấp nhận sống chung với những lời chì chiết.
Tuy nhiên, giông tố gia đình nào đâu đã đạt đỉnh cao trào. Cuối năm ngoái, tức là chỉ sau vài tháng cậu bán đất, giao tiền, người con trai út làm ăn thất bát, số tiền cậu đưa nhanh chóng ra đi. Các cô con gái tiếp tục có cớ để dằn hắt ba mẹ: “Ông trời có mắt”, “Của thiên rồi cũng phải trả địa thôi”...
Các con gái gây mâu thuẫn thường xuyên, tài chính gia đình cũng trở về mức eo hẹp ban đầu khiến người con trai không chịu nổi áp lực, đã bỏ vào Nam biền biệt. 1 tháng sau ngày thằng Út bỏ đi, mợ vì buồn phiền, căng thẳng thần kinh quá mức mà lên cơn đột quỵ rồi qua đời, để cậu một mình cô độc trong ngôi nhà chật hẹp.
|
Những năm tháng cuối đời, cậu tôi phải sống trong buồn bã, cô độc (ảnh minh họa) |
Bây giờ, tôi từ xa về thăm cậu, ngồi trong căn phòng lợp tôn nóng như chảo rang, tôi hỏi: "Sau khi mợ mất, các chị có lui tới chăm sóc cậu không?".
Cùng với ánh mắt buồn bã, cậu chỉ vào chiếc quạt nhỏ đang quay rè rè rồi nói: “Chiếc quạt này là của con Ba, còn chén cơm với đĩa cá kho kia là của đứa con cả mang sang từ lúc sáng, nhà nó gần đây nhất”.
Thì ra, sau khi em trai bỏ đi, mẹ mất, những người con gái của cậu vẫn chưa thể nguôi ngoai cơn giận để ân cần chăm sóc, phụng dưỡng cha già.
Rốt cuộc, sự nhẫn tâm đó là do số tiền 500 triệu đồng không được chia sẻ đồng đều hay còn vì một nỗi ngậm ngùi, uất giận dai dẳng nào khác đã được tích tụ qua thời gian? Các chị là người đáng giận hay cậu tôi mới thực sự là người đáng trách?
Tôi không tìm thấy câu trả lời thỏa đáng. Chỉ biết bây giờ nhìn sự hom hem, rầu rĩ, nhìn đôi ống chân cậu ngày càng teo tóp vì già cả, bệnh tật, mà không có người thân nào thực sự bên cạnh, thì tôi biết cậu đang khổ thấu trời xanh.
Theo phụ nữ TPHCM