leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Người ngoài, ai cũng bảo chị Thoa may mắn. Chị lấy chồng đã 10 năm, quả tình gặp đúng gia đình phước đức. Ba mẹ chồng chị là người thương con thương cháu, ba bận chị sinh con, đều là do ba chồng đưa đi. Rồi mẹ chồng chị bỏ cả việc để từ quê xuống ở cùng để chăm cháu cho chị đi làm.

Người ta đi lấy chồng còn phải tự vật lộn kiếm tiền mua đất xây nhà, đằng này vợ chồng chị được ba mẹ chồng cho hết. Ngôi nhà xây cách đây 6 năm, ba chồng chị mấy tháng ròng ở lại phụ trông công trình, vun vén sửa sang tới khi nhà xây xong ông lại khăn gói về quê. 

Vậy mà chị Thoa không thấy mình sướng. Ngôi nhà khang trang 4 tầng ngay mặt đường này, vợ chồng chị cùng 2 con đã ở nhiều năm. Nhưng không một phút nào chị cảm thấy đây là ngôi nhà của chính mình, mà chỉ là nơi "ăn nhờ ở đậu".

Ý nghĩ ấy có lẽ bắt nguồn từ tấm bé, khi ba mẹ chị là những người làm nên từ tay trắng, không có sự hỗ trợ của gia đình. Ba chị Thoa luôn bảo: "Không có gì quý hơn độc lập tự do. Cứ tự làm tự ăn là thoải mái nhất". Còn mẹ chị thì luôn tâm niệm "Của biếu là của lo, của cho là của nợ".

Những suy nghĩ ấy ăn sâu vào chị đến tận bây giờ. Cho nên dù không nói ra, bất cứ điều gì nhận được từ nhà chồng, chị Thoa đều coi là "món nợ", là gánh nặng một ngày chị sẽ phải trả gấp nhiều lần.

Một lần, chị Hoa mang chuyện ấy tâm sự với hội bạn chúng tôi. Hầu hết mọi người đều đồng tình với chị, bảo rằng: "Chẳng nên dây dưa với nhà chồng. Có cho thứ gì, rồi sau này lại đem ra kể công, mang ơn mệt lắm!".

Nhưng riêng chị Ngọc Anh phản đối. Chị bảo: "Tôi lại thấy chị Thoa như thế là dại. Người ta có thương chị, tin chị thì mới cho vợ chồng chị đứng tên cả căn nhà. Khối người cho đất cho nhà nhưng không cho con cái đứng tên vì chắc lép. Họ sợ vợ chồng mà ly hôn, thì con dâu cũng được một nửa đó!".

Lời của chị Ngọc Anh cũng khiến cả hội phải ngẫm nghĩ. Chị Thoa gật gù:

"Nhớ lại thì cái ngày ký hợp đồng mua đất, ba chồng tôi nhất quyết bắt tôi nghỉ làm để cùng chồng ký tên. Ông bảo cả con trai và con dâu đều phải đứng tên làm chủ, ông mới xuất tiền! Mà ông bà cũng chưa bao giờ kể công hay bảo tôi phải trả ơn gì cả".

Đến đây, giọng chị có vẻ dịu lại. Hình như bao năm qua chị đã nhìn ba mẹ chồng với con mắt thiển cận rồi. Chẳng nói gì vật chất, chị vẫn nhớ khi con còn nhỏ, mẹ chồng luôn giành phần bế cháu để chị được ăn cơm trước. Rồi bố chồng hằng tuần không quản ngại đường xa, chở xe máy từng gốc hồng, giò lan mà ông đã ươm từ quê xuống chưng ở ngôi nhà của anh chị. 

Nếu cứ dùng cái bụng hẹp hòi để nhìn vào, thì không mấy khi chị thấy những điều nhỏ nhặt như thế. Chị Thoa chợt thấy mình may mắn biết bao. Lần đầu sau bao năm, lần đầu tiên chị có cảm giác được sống trong chính ngôi nhà của mình.

Theo phụ nữ TPHCM