Chị Hạnh Dung thân mến,

Là cha là mẹ, khi nhìn thấy gia đình con mình đang bên bờ tan vỡ, mình có nên tham gia với con rể hay con dâu không, và tham gia như thế nào để các con mình nhìn ra được vấn đề?

Hiện giờ gia đình hai bên chưa có sứt mẻ gì, chỉ có vấn đề giữa các con mà thôi. Xin chị hãy cho mình một lời khuyên?

Thanh Thanh
leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Chị Thanh Thanh thân mến,

Có một điều hết sức quan trọng mà chị cần phải "tâm niệm", là con cái khi đã lập gia đình, có nghĩa là chúng đã có cuộc sống riêng của mình.

Gia đình của con là một tổ chức riêng, và phải được điều hành một cách độc lập bởi ý chí của các con. Cách các con lèo lái gia đình đó, những va chạm, mâu thuẫn, xung khắc và cả thương yêu, chính là một trong những con đường đi tới sự trưởng thành của chúng.

Biết rằng cha mẹ nào cũng xót ruột, lo lắng và muốn làm điều gì đó giúp con mình, thế nhưng sự yêu thương dành cho con ruột nhất định sẽ có phần thiên lệch.

Ta sẽ quên rằng con dâu hay con rể cũng có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ như con mình, sẽ khiến cho cái nhìn của bố mẹ, và sự phán xét, khuyên bảo, góp ý... mang đầy tính chủ quan, không hoàn toàn công tâm.

Điều cha mẹ nên làm khi cảm thấy gia đình các con có vấn đề, là mang đến cho các con cảm giác về tình yêu thương, nhận thức rõ ràng về một sự ấm áp của tình cảm gia đình.

Có vẻ như không liên quan, nhưng đó lại chính là điều khiến các con hướng mọi xử sự của mình theo hướng trân trọng những yêu thương mà mình đang có. Từ đó sẽ hành động sáng suốt, lý trí và tình cảm hơn. 

Đừng lắng nghe chỉ một phía, đừng bênh vực hay phán xét bên nào một cách vội vàng, hấp tấp, chủ quan. Hãy nhớ rằng khoảng cách thế hệ, thời đại giữa cha mẹ và con cái cũng có thể khiến chúng ta không thể hiểu, chấp nhận được những cách giải quyết của con cái ngày nay. Và điều đó không có nghĩa là chúng ta đúng, còn các con sai.

Có nhiều bậc cha mẹ khi can thiệp vào đời sống gia đình của con thường bị chi phối bởi cảm giác bênh vực, muốn cái lý đúng thuộc về con mình, vô tình khiến con có những bất cẩn thiếu suy xét vì có chỗ dựa, vì tưởng mình đúng hoàn toàn. Chỉ đến khi con tan vỡ hạnh phúc, cha mẹ mới thấy đau nhiều, mới thấy cái sự "thắng" đó là vô nghĩa.

Hãy nhớ rằng, dù có chuyện gì xảy ra, thì con mình vẫn là con mình. Mọi hiểu lầm, giận hờn, tức giận rồi cũng qua, rồi con vẫn yêu thương mình và mình yêu thương con.

Nhưng với "con người ta", mọi tổn thương vô tình hay cố ý đều có thể để lại những vết thương, vết sẹo nặng nề, làm rạn nứt và rất khó lành lặn. Cho nên, hãy thận trọng khi bênh vực hay phán xét. Bởi cuối cùng, chẳng cha mẹ nào muốn gia đình con tan vỡ, con mình, cháu mình phải rơi vào cảnh tan đàn xẻ nghé cả.

Hãy mang đến cho các con tinh thần hòa giải, tinh thần yêu thương, tha thứ, khi mọi chuyện còn có thể cứu vãn. Hãy là chỗ dựa, nguồn sức mạnh tinh thần của con. Hãy cho các con một chốn bình an, tin tưởng... Đó là sự "can thiệp" tốt nhất, chị ạ.

Theo phụ nữ TPHCM