Sự không chung thủy của cha mẹ có ảnh hưởng thế nào đến trẻ?
Theo chuyên gia tâm lý Neha Anand (Ấn Độ), trẻ không thể hiện cảm xúc công khai khi biết chuyện ngoại tình của cha mẹ nhưng vết sẹo trong tâm hồn chúng tồn tại rất lâu.
Neha Anand cho rằng, khi một đứa trẻ phát hiện ra cha/mẹ ngoại tình, điều đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn la bàn đạo đức của chúng và làm nhầm lẫn tất cả những gì chúng hiểu về hôn nhân.
Trong nhiều trường hợp, những đứa trẻ, đặc biệt là bé trai trở nên thu mình lại, bắt đầu học hành chểnh mảng, bắt đầu cư xử sai trái và thậm chí trở nên ương ngạnh, có xu hướng chống đối xã hội. Trong khi đó, các bé gái nảy sinh vấn đề về lòng tin với đàn ông dẫn đến việc dễ gặp phải khó khăn sau này trong việc yêu và kết hôn.
Trong trường hợp cha mẹ nhận ra ảnh hưởng việc họ ngoại tình tới con cái và giải quyết nó một cách hợp lý thì tác động đó sẽ được giảm thiểu. Nhưng trong nhiều trường hợp, cha mẹ bận rộn với các vấn đề của riêng mình đến mức để mặc đứa trẻ vật lộn với cảm xúc của chúng.
Vậy làm thế nào để giúp trẻ vượt qua khủng hoảng này?
Trẻ có thể phát hiện ra việc cha mẹ lừa dối thụ động (khi bố hoặc mẹ chủ động tiết lộ sự thật, bố mẹ đánh nhau, cãi vã...) hoặc tận mắt chứng kiến bố/mẹ ngoại tình. Suy nghĩ đầu tiên trong đầu trẻ là: Đây là dấu hiệu gia đình tan nát. Tuy nhiên, để giúp trẻ vượt qua khủng hoảng về mặt cảm xúc, tinh thần, cần lưu ý rằng sự hỗ trợ về tinh thần cho trẻ là vô cùng cần thiết.
Neha Anand chỉ ra hai trường hợp điển hình cô từng hỗ trợ tư vấn, đó là trường hợp gia đình hai bé Anna (13 tuổi) và Jacob (11 tuổi). Hai đứa trẻ được chính mẹ chia sẻ về việc bố đã từ bỏ gia đình, xây dựng cuộc sống mới với người phụ nữ khác, tuy nhiên mẹ của hai đứa trẻ vẫn để chúng liên lạc, gặp gỡ anh chị em, họ hàng nội, ông bà nội... Nhà nội vẫn rất yêu thương, quý mến và chăm sóc hai đứa trẻ, dù bố mẹ chúng tan vỡ. Ở tuổi trưởng thành, hai chị em đều có một cuộc sống hôn nhân ổn định. Tuy giận bố vì đã ngoại tình, họ vẫn giữ mối quan hệ cha con thân tình.
Một trường hợp khác là Rebecca, một bé gái 13 tuổi mà mẹ ngoại tình, bố đem phụ nữ khác về nhà. Tuổi thơ của cô bé không có ai chăm sóc. Ở tuổi 20, Rebecca đã không nói chuyện với mẹ của mình suốt 14 năm, có mối quan hệ yêu đương phức tạp, từng phải phá thai...
Nhà tâm lý Neha Anand chỉ ra rằng trẻ chứng kiến mối quan hệ căng thẳng của bố mẹ vẫn có thể bù đắp bằng việc nhìn vào một mô hình gia đình khác, để hiểu rằng không phải cuộc hôn nhân nào cũng tương tự như của bố mẹ. Trẻ cũng cần phải được đón nhận tình yêu thương của bố, mẹ, đại gia đình hai bên... dù những người sinh ra chúng không còn sống bên nhau.
Về phía cha mẹ, ngay cả khi ngoại tình đã xảy ra, hãy cố gắng đừng bao giờ gây gổ với bạn đời trước mặt con cái và khoét sâu nỗi tổn thương của con bằng việc nói đi nói lại chuyện ngoại tình của bạn đời.
Cho dù cha mẹ đang phải trải qua những gì, nên cố gắng hết sức để giữ con cái tránh khỏi cuộc xung đột. Đồng thời, nên nói chuyện với con về những gì sẽ thay đổi và không thay đổi, cho con thấy tình cảm vô điều kiện của bố mẹ dành cho con là một trong những thứ sẽ không khi nào thay đổi.
Theo vnexpress