Chàng trai chia sẻ mình luôn muốn mang đến niềm vui và sự thoải mái cho bạn gái vì cậu yêu cô ấy rất nhiều. Cậu luôn cố gắng chiều chuộng và nhường nhịn cô ấy trong mọi chuyện. Tuy nhiên, dạo gần đây cậu bắt đầu cảm thấy áp lực vì cô ấy có xu hướng đòi hỏi nhiều hơn, không ngại làm cậu mất mặt trước bạn bè hay gia đình.
Có lần, cậu mời bạn bè đến nhà ăn tối. Bạn gái của cậu đã đến muộn còn liên tục tỏ ra không hài lòng với cách cậu chuẩn bị mọi thứ.
Cô chê cậu vụng về, không biết nấu nướng khiến cậu cảm thấy vô cùng xấu hổ, đặc biệt là khi cậu luôn tự hào với bạn bè về mối quan hệ của hai người. Bạn bè cậu còn trêu đùa về việc cậu bị "quản chặt" và cậu cảm thấy mình đang bị hạ thấp trong mắt mọi người.
Một lần khác, khi cậu đưa cô về gặp gia đình. Lúc đầu, mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ nhưng đến bữa ăn, cô ấy hồn nhiên đánh giá món ăn của mẹ cậu không ngon bằng món mẹ cô ấy nấu.
Cả nhà đều bất ngờ và cảm thấy không thoải mái vì điều này nhưng cậu lại ngại nói ra vì sợ cô ấy buồn. Cô ấy còn kể về những chuyện cá nhân giữa hai đứa mà cậu cảm thấy không phù hợp để chia sẻ trước mặt mọi người trong gia đình.
Còn những khi đi chơi với nhóm bạn, cô ấy thường xuyên lên giọng, tỏ vẻ ra lệnh hoặc đùa giỡn thái quá khiến cậu cảm thấy bị coi thường. Khi cậu góp ý, cô ấy lại phản ứng gay gắt, cho rằng cậu đang bắt bẻ cô ấy.
Những tình huống này dần trở thành một phần quen thuộc trong mối quan hệ của hai người. Cậu luôn cố gắng nhẫn nhịn nhưng cậu muốn có một mối quan hệ bình đẳng, cả hai tôn trọng lẫn nhau.
Nhưng cậu lo lắng nếu góp ý quá thẳng thắn, cô ấy sẽ cảm thấy bị tổn thương và điều đó có thể làm rạn nứt mối quan hệ của hai người.
Cậu không muốn phải từ bỏ mối quan hệ này và tin rằng nếu cả hai biết điều chỉnh thì có thể cùng nhau đi xa hơn. Cậu mong Thanh Tâm khách quan phân tích giúp cậu hiểu hơn về cách làm sao để bạn gái cậu nhận ra và thay đổi.
Làm thế nào để cậu có thể nói chuyện với cô ấy mà không làm rạn nứt mối quan hệ của hai người?
Thanh Tâm nhận thấy, cậu rất quan tâm đến việc giữ gìn mối quan hệ này và tìm cách xây dựng nó tốt đẹp hơn. Sự kiên nhẫn và tình cảm của cậu dành cho bạn gái là điểm mạnh nhưng có một ranh giới mong manh giữa việc chiều chuộng và giữ sự tôn trọng cho bản thân.
Việc bạn gái có những hành động khiến cậu cảm thấy bị tổn thương không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn ảnh hưởng tới mối quan hệ của hai người. Trước tiên, khi bắt đầu bất kỳ cuộc trò chuyện nào với bạn gái, điều quan trọng là cậu phải hiểu rõ cảm xúc của mình.
Việc bị tổn thương, mất mặt hay cảm giác bị hạ thấp trước bạn bè và gia đình đã ảnh hưởng đến lòng tự trọng của cậu. Cậu cần xác định những gì khiến cậu không hài lòng trong mối quan hệ này và tại sao những hành động của cô ấy lại gây ra sự khó chịu đó.
Cách cậu đưa ra góp ý sẽ quyết định sự thành công. Hãy chọn một thời điểm khi cả hai đều bình tĩnh và thoải mái để nói chuyện. Cậu có thể bắt đầu bằng việc chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình.
Sau đó, cậu có thể cùng cô ấy tìm ra những giải pháp cụ thể và nhấn mạnh việc cậu muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, nơi cả hai có thể cảm thấy an toàn và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng cô ấy có thể có những cảm xúc và lý do riêng cho cách cư xử của mình.
Việc cậu lắng nghe những gì cô ấy chia sẻ sẽ giúp cả hai hiểu hơn về nhau, có thể mở ra những vấn đề mà trước đây cả hai chưa từng nói ra. Điều này sẽ khuyến khích cô ấy chia sẻ suy nghĩ và giúp cả hai đồng cảm hơn.
Và Thanh Tâm mong cậu luôn nhớ, trong mọi mối quan hệ, việc thiết lập giới hạn là cần thiết. Cậu cần làm rõ với cô ấy những gì cậu cảm thấy là không chấp nhận được. Đây không phải là áp đặt mà là tạo ra một sự tôn trọng cần thiết cho mối quan hệ.
Cuối cùng, sự thay đổi không thể đến ngay lập tức. Cả hai cần thời gian để điều chỉnh và học cách hiểu nhau hơn. Nếu cậu thấy cô ấy thực sự lắng nghe và có những cố gắng thay đổi, hãy động viên và khích lệ cô ấy.
Tuy nhiên, nếu sau một thời gian dài mà không có sự thay đổi nào, cậu cũng cần cân nhắc lại mối quan hệ này một cách nghiêm túc.
Thanh Tâm