Hôm rồi, nghe tin Lê trở lại thành phố, tôi gọi điện hỏi thăm và chúng tôi hẹn gặp nhau. Trong quán cà phê, Lê chân thành chia sẻ: “Cũng định thay đổi nơi ở vài năm, nhưng vẫn còn gánh nặng kinh tế, đâu phải muốn đi là đi”.

Lê gọi là “gánh nặng kinh tế” nhưng thực ra chỉ là kiếm tiền để trang trải cho chính mình.

leftcenterrightdel
 Cô ấy rất tốn kém cho những nhu cầu cá nhân của mình (ảnh minh họa)

Lê sống một mình, công việc của Lê làm được ở mọi nơi, chỉ cần có kết nối mạng. Cô không phải lo cho ai. Ở nhà, mẹ Lê sống cùng em gái, bà cũng có cửa hàng bán thức ăn nhỏ, có đồng ra đồng vào mỗi ngày để không phụ thuộc vào con.

Lê sống ở thành phố ngót chục năm, công việc chủ động và thu nhập cũng ở mức trung. Khoản thu nhập mà Lê chia sẻ, với tôi như vậy là sống thoải mái, nếu biết chi tiêu vẫn có thể tích lũy để phòng thân. Nhưng Lê luôn thấy thiếu thốn, thậm chí phải vay mượn nếu cần khoản tiền vài chục triệu.

Hẳn nhiên, mỗi người sẽ có mỗi cách chi xài khác nhau, nhu cầu khác nhau nên chẳng thể có mẫu số chung cho tất cả. Có người thu nhập vài chục triệu đến cuối tháng vẫn cạn sạch, có người chỉ ngoài chục triệu vẫn để riêng ra khoản tích lũy phòng thân. Lê thuộc mẫu người thứ nhất.

Không rủng rỉnh tiền nhưng Lê thích ăn mặc đẹp, đến những nơi sang trọng, hoặc phải là nơi có thương hiệu. Mỗi tuần vài lần cô ấy chọn những quán đẹp được review trên một trang mạng xã hội, đến một mình hoặc vài người bạn để tán gẫu, check-in.

Có lần, Lê chọn điểm đến là một nơi bình dân: bờ kè, nhưng trên bức ảnh chụp check-in vẫn là ly cà phê của một thương hiệu nổi tiếng đắt tiền. Lê không biết đi xe máy nên phương tiện đi lại của cô ấy là gọi Grab. Có những buổi sáng Lê ăn mặc lộng lẫy đứng đón xe chỉ để đến ăn sáng ở một quán ăn có phong cách ấm cúng mà cô ấy thích.

leftcenterrightdel
 Điểm đến của cô ấy phải là nơi sực nức "mùi thượng lưu" (ảnh minh họa)

Ngặt nỗi, những nơi Lê thích, muốn đến đều không phải loanh quanh khu phố cô ấy đang thuê trọ, dù chung quanh cũng không thiếu quán cà phê đẹp. Tôi nhẩm tính, riêng tiền đi Grab của cô ấy cũng chiếm con số không nhỏ.

“Cuộc sống ngắn ngủi nên thích gì làm đó” là câu nói cửa miệng của Lê, mỗi khi tôi có những gợi ý chi tiêu tiết kiệm để bớt phải lo lắng về kinh tế. Tôi hiểu được đó cũng là chuyện nhạy cảm, dễ tự ái, nhưng bởi cái tính bao đồng và có phần thương bạn, nên tôi muốn cô ấy có lối sống phù hợp với hoàn cảnh thu nhập hiện tại của mình. Đó cũng là cách tự gỡ bỏ dần những áp lực kinh tế cho bản thân. Nếu cứ chạy theo những thứ phù phiếm, chẳng khác nào tự chất lên vai mình gánh nặng rồi lại than: “Cuộc sống quá khó khăn”.

Cuộc sống có khó khăn không? Xin thưa, nếu kiếm tiền để làm giàu, có tài sản triệu đô, tỷ phú này kia thì khó, chứ chỉ kiếm tiền trang trải cuộc sống thì hoàn toàn không khó. Bất cứ một người trưởng thành nào, chỉ cần siêng năng chịu khó đều có thể đảm đương được. Ở thành phố đông đúc, luôn có đủ cơ hội việc cho tất cả mọi người.

Hàng xóm chung cư tôi ở là một chị đã ngoài 50, có con đã lớn. Thỉnh thoảng đi dạo trên sân thượng tôi có gặp chị, nhưng ít giao tiếp. Mỗi sáng, tôi thường gặp chị ở nhà xe, chị mặc chiếc áo đồng phục của một nhà mạng nên tôi đoán chừng chị làm việc nơi ấy. Bỗng một ngày, chị kéo xe bánh mì đứng bán bên hông chung cư. Tôi ghé mua ủng hộ, vừa để cho gia đình ăn sáng, chị chân thành chia sẻ: “Buôn bán vầy đỡ áp lực mà vẫn có đồng ra đồng vào em ạ!”.

Tôi ngỡ ngàng với sự “bẻ lái” của chị, nhất là ở độ tuổi ngoài 50. Nhưng nhìn nụ cười thoải mái trên nét mặt của chị, tôi nghĩ chị đã có lựa chọn phù hợp cho mình. Mới thấy, cuộc sống luôn có nhiều cánh cửa mở ra với tất cả mọi người. Và công việc không chỉ để kiếm tiền mà còn kết nối ta với cuộc sống này.

Tôi còn nhớ, ngày mới dùng điện thoại, khi ấy, tôi đã đi làm có tiền nhưng không nhiều, lại phải tự lo chi phí suốt 4 năm đại học nên tôi chỉ dùng điện thoại sim một chiều. Loại sim chỉ nhận cuộc gọi và nhắn tin. Đến khi mua được xe máy, tôi cũng chọn dòng xe nào ít hao xăng nhất, vì số tiền kiếm được tôi còn phải ưu tiên cho những việc quan trọng khác. Khi ở trọ, tôi cũng chọn ở ghép để tiết kiệm chi phí, cho đến khi mức lương cao hơn mới ra ở một mình… cứ như vậy, tôi tiến từng bước cho đến khi mua được căn hộ chung cư.

Nhờ sự chi tiêu phù hợp mà tôi có được khoản tích lũy an toàn, đủ trang trải cho mọi nhu cầu của mình và giúp đỡ người thân khi có việc cần đến.

Theo phụ nữ TPHCM