Tôi nhận được tin tháng sau mẹ chồng dọn lên ở cùng gia đình mình. Cô em chồng bất ngờ lên xe hoa ở tuổi đôi mươi nên căn nhà thênh thang ở quê chỉ còn lại mẹ chồng. Chồng tôi là con trai duy nhất trong nhà, sớm muộn gì tôi cũng phải sống chung với mẹ chồng, nhưng không ngờ lại sớm như vậy, nhất là khi tôi mới sinh em bé được 2 tháng, con đang dần quen nếp ăn nếp ngủ. 

Tôi lo những quan điểm khác nhau về việc nuôi dạy con sẽ khiến mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu sóng gió. Vậy mà bà lại rất hợp tác, hỗ trợ tôi chính xác tới từng giờ ăn giấc ngủ của con khi tôi vắng nhà.

Bà hay thích bế Dâu và rung để dỗ cháu nín khóc. Tôi giải thích rằng việc đó có thể gây tổn thương cho não. Bà điều chỉnh lại ngay. Khi Dâu uống sữa, tôi muốn con tập trung nên nhắc bà hạn chế nói chuyện hay cười đùa với cháu. Thật may cho tôi, có được bà mẹ chồng tâm lý, không phật lòng trước mỗi lời góp ý.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Chỉ có việc ngồi ăn cơm với bà là tôi không thể chịu nổi. Bữa nào bà cũng phải có một chén nước mắm, dù mâm cơm toàn món kho hay canh mặn. Còn tôi, hễ ngửi thấy mùi mắm là buồn nôn. Từ khi bà đến ở chung, nhà tôi có thêm chai nước mắm trong tủ bếp - loại nước mắm đậm mùi khiến việc ngồi ăn với mẹ chồng trở nên ám ảnh.

Mỗi lần bà gắp đồ ăn là bàn tay run. Sự lóng ngóng, vụng về do căn bệnh Parkinson đã khiến nước mắm bắn tung tóe ra mâm. Có lần bà còn làm mắm vẩy lên quần áo và tóc tôi. Tôi chạy vội vào nhà vệ sinh, lột từ đầu tới chân, cho ra tất tần tật những gì còn sót lại trong bao tử. Kể từ lần đó, tôi lấy cớ tan làm về muộn để không ngồi ăn cơm chung với bà.

Đợt này, chồng tôi không còn phải đi công tác nữa. Anh ở nhà nhiều hơn, đồng nghĩa tối đến 3 mẹ con sẽ ăn cơm cùng nhau. Tôi đang loay hoay thay đồ thì bỗng nghe tiếng chồng lớn tiếng từ phòng ăn: “Vợ, sao lại để chén nước mắm cũ này trong mâm?”. Tôi chạy ra, nhìn mâm cơm.

Hóa ra mẹ chồng vẫn để lại chén nước mắm lẫn lộn lá rau, vụn trứng, cả hạt cơm từ bữa trưa. Cơn buồn nôn cộng với sự bực tức khi bị chồng trách cứ trào lên tận họng. 

“Con nói bà bao nhiêu lần là bà đổ chén nước mắm cũ đi. Chén này sao còn ăn được mà bà còn để lại?”. Tôi cự nự mẹ chồng, rồi nhanh tay đổ chén mắm vô bồn rửa. Chỉ vì cái sự tiết kiệm thái quá của bà mà giờ vợ chồng tôi lớn tiếng với nhau. Mẹ chồng tôi đứng ngẩn người. Bà chưa bao giờ vứt thứ gì, dù cho hằng ngày bà phải ăn đi ăn lại tới phát ngán.

“Phí phạm quá! Chén đó mẹ để mai trộn với rau và cơm ăn mà”. Bà chép miệng rồi bỏ vào phòng. Vợ chồng tôi tròn mắt nhìn nhau. Nhà mình có để mẹ thiếu thốn thứ gì đâu mà chỉ vì chén nước mắm cũ, bà lại buồn đến vậy.

Chồng kể ngày xưa nhà nghèo rớt, ba là thương binh nặng nên mình mẹ gồng gánh, buôn bán ngược xuôi để nuôi 5 chị em. Tới thời chồng tôi, gia đình đã khá giả hơn chút vì được bồi thường đất ruộng. Các chị kể lại, mẹ toàn ăn cơm chan mắm để nhường thịt cá cho các con.

Nhìn tấm lưng cong cong của bà trong bếp, lòng tôi chùng xuống. Những ngày vất vả để nuôi con khôn lớn đã hằn sâu vào nếp sống của bà, nên đến tận bây giờ bà vẫn chắt chiu. Phận làm con, tôi mong bà đừng tự hà khắc với chính mình mà hãy tận hưởng cuộc sống an nhàn bên con cháu trong những năm tháng cuối đời.

Theo phụ nữ TPHCM