leftcenterrightdel
 Tôi nhận nuôi cháu chồng từ ngày cháu 5 tuổi và xem cháu như con (ảnh minh họa)
“Tôi tin anh chị, mới gửi con cho anh chị nuôi, bây giờ thành ra thế này... Anh chị đền con cho tôi đi”, chị chồng vừa nói vừa gào khóc giữa nhà khiến vợ chồng tôi chết sững như trời trồng. 

Sau phút sững sờ, chồng tôi lớn tiếng: “Bọn em thương nên nhận nuôi cháu giúp chị. Bây giờ chị quay sang trách ngược như vậy mà được à?”. 

Tôi năm nay 42 tuổi, chồng tôi hơn 4 tuổi, kết hôn đã 10 năm. Khi chúng tôi mới kết hôn được vài tháng, chị chồng vỡ nợ, phải ôm con đi trốn, con bé con chị lúc đó mới được 5 tuổi, phải theo mẹ lang bạt khắp nơi. Thương cháu ngoại còn nhỏ mà vất vả, mẹ chồng thẽ thọt đề nghị vợ chồng tôi nuôi giúp cháu, bà sẽ phụ thêm tiền ăn, tiền học. Nể lời mẹ chồng, lại thương cháu, vợ chồng tôi đồng ý.

Vậy là cháu về ở với vợ chồng tôi từ dạo đó. Chúng tôi lo cho cháu từ cái ăn, cái mặc, chuyện trường, chuyện lớp, đưa đón đi học, đi chơi… Mẹ chồng không ở chung, chỉ ở gần, thỉnh thoảng đón cháu về nhà bà và mỗi tháng góp 3 triệu đồng nuôi cháu, còn lại vợ chồng tôi lo. Cháu càng lớn, chi phí càng nhiều nhưng chị chồng chưa bao giờ mở lời phụ phần nào tiền nuôi cháu. Chị đi trốn nợ biền biệt, thỉnh thoảng mới tạt về nhà thăm con dăm bữa rồi lại đi.

Dẫu vậy, chúng tôi chưa bao giờ oán trách hay đò hỏi. Nghĩ mình nhận nuôi cháu thì phải có trách nhiệm, chúng tôi không chỉ yêu thương, dạy dỗ mà còn lo cho cháu đầy đủ hết mức trong khả năng.

3 năm sau ngày nhận nuôi cháu, tôi sinh con, chi phí tăng lên, sự vất vả cũng gấp đôi nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ trả cháu về cho chị. Trong lòng tôi cũng đã xem cháu như con tự lúc nào.

Nhưng đến năm 13 tuổi, bắt đầu vào tuổi dậy thì, cháu chồng tôi bỗng đổi tính nết. Trước kia, cháu vốn ngoan ngoãn, nghe lời, thương em nhưng giờ bỗng cộc cằn, khó chịu, hay tỵ nạnh, em đến xin chơi cùng thì đẩy em ra. Đi học về, cháu trốn vào phòng riêng khóa trái cửa. Đến giờ ăn, cháu cũng mang cơm vào phòng ăn thay vì ăn cùng mọi người. Bà ngoại gọi sang nhà chơi, cháu cũng không sang. Mẹ ruột về thăm, cháu cũng chẳng buồn gặp. Cháu chỉ thích ra ngoài, chơi với bạn, ôm điện thoại…

Khi chồng tôi la rầy, cháu ậm ừ cho qua. Một ngày, cháu về nhà xin nghỉ học và đi học trang điểm, vì thấy trường lớp chán nản, học hành không vô, giờ cháu chỉ thích làm đẹp, học nghề. Chồng tôi nổi giận quát mắng thì cháu câng mặt lên bảo: “Cậu chỉ là cậu con thôi, có phải ba mẹ con đâu mà quản? Chuyện của con, cậu đừng xen vào!”.

leftcenterrightdel
 Cháu càng lớn càng ngỗ nghịch và không còn ngoan ngoãn như xưa (ảnh minh họa)


Nghe những lời đó từ cháu, tôi cứ tưởng mình nghe lầm, sững sờ đến không nói được lời nào. Chồng tôi không kềm được cơn nóng giận và cả sự thất vọng nên cho cháu bạt tai. Cháu trừng mắt nhìn anh rồi bỏ vào phòng.

Hôm sau, cháu sửa soạn cặp sách đến lớp học hè như bình thường nhưng không đến lớp, sau giờ tan học cũng không về nhà. Chúng tôi gọi điện thì cháu khóa máy.

Hốt hoảng, vợ chồng tôi báo mẹ chồng và chị chồng rồi cả nhau cùng chia nhau tìm kiếm, báo khắp hàng xóm, họ hàng, công an… nhưng chưa có kết quả.

Xót con, chị chồng quay sang chê trách vợ chồng tôi mà không nghĩ rằng suốt 10 năm nay, chị chưa từng chăm sóc, nuôi dạy con ngày nào mà khoán trắng cho vợ chồng tôi. Nghĩ mình nhọc công, nhọc lòng chăm sóc, nuôi nấng, mà giờ chị chồng oán trách, tôi chỉ biết khóc vì vừa giận vừa buồn, vừa cảm thấy như bị phản bội...

Theo phụ nữ TPHCM