Trong nhiều năm liền, con luôn bị bạn học, nhân viên nhà trường mang ra làm trò cười. Vài người công khai miệt thị con bằng những từ ngữ tệ hại: “phụ nữ một nửa”, “bê đê”, “3D”, “bóng”, “lại cái”… Một số hùa theo châm chọc, số còn lại phớt lờ, không bênh vực làm khoét sâu thêm thành kiến và phân biệt đối xử trong trường học.

Con rất thích đi học nhưng lại sợ đến trường. Tuy con có thể lực tốt, sức học thuộc tốp 10 trong lớp mà vẫn không chống lại được sự bắt nạt. Con không hiểu tại sao người đồng tính lại bị coi thường.

Một nam sinh lớp Mười hai
(TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Phân biệt giới tính, còn gọi là thành kiến giới tính (tiếng Anh: sexism), là một dạng niềm tin hoặc thái độ coi 1 giới tính là hạ đẳng, kém cỏi, kém giá trị so với giới tính khác.

Chẳng hạn tình trạng trọng nam khinh nữ, kỳ thị những người đồng tính, chuyển giới... biểu hiện qua lời nói, hành vi, thái độ, tập tục truyền thống, có khi còn xuất hiện cả trong pháp luật và chính sách xã hội.

Người bị phân biệt giới tính thường cảm thấy bối rối, xấu hổ, sợ hãi, tức giận, lâu dần trở nên bị ám ảnh, thậm chí tự kỳ thị bản thân. Trước các câu đùa tưởng chừng vô thưởng vô phạt hoặc những nhận xét mang tính phân biệt giới tính đầy phản cảm, họ thường khó có phản ứng ngay tức khắc với kẻ làm phiền, gây hấn nhưng nó ngấm ngầm tác động đến nhận thức và suy nghĩ.

Các nhà khoa học dùng thuật ngữ “homophobia”, nghĩa là chủ nghĩa dị tính, để nói về hội chứng ghê sợ đồng tính luyến ái. Homophobia bao gồm việc căm ghét, ác cảm hoặc phân biệt đối xử với người đồng tính dù không có lý do gì hoặc do thành kiến, bảo thủ, niềm tin tôn giáo với nhiều hình thức khác nhau, từ việc sử dụng ngôn ngữ tiêu cực, xúc phạm đến các hình thức cực đoan hơn như chế giễu, bắt nạt, lạm dụng và bạo lực thể chất.

Có 2 dạng phổ biến:

- Ghê sợ đồng tính của chính mình (Internalized homophobia): cảm thấy căm ghét bản thân vì lạc lõng khỏi xã hội, ngay cả khi không thực sự tìm được lý do tại sao LGBT bị kỳ thị.

- Ghê sợ đồng tính hợp lý (Rationalized homophobia): có cảm xúc khó chịu xung quanh vấn đề đồng tính và thể hiện qua việc gây hấn với những người LGBT mà ngay cả người kỳ thị cũng không hiểu được nguyên do.

Sự phân biệt đối xử khiến nạn nhân có thể không giữ được bình tĩnh và tỉnh táo. Nó trở thành nỗi ám ảnh, làm gia tăng mức độ stress, trầm cảm, đồng thời tăng tần suất bạo lực, ảnh hưởng lớn đến sự an toàn lẫn cuộc sống của cộng đồng người đồng tính.

Mặc dù nội quy của nhà trường không cấm hành vi trêu chọc “giỡn chút cho vui”, những lời bình phẩm “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” nhưng thái độ công kích, hành vi quấy rối, bắt nạt là trái pháp luật khi diễn ra quá thường xuyên hoặc nghiêm trọng đến mức tạo nên môi trường thù địch hoặc có tính xúc phạm ai đó hay một nhóm nào đó.

Việc lên tiếng không hề đơn giản, nhất là khi cháu đối đầu với bạn học và nhân viên trong trường. Im lặng chịu đựng hoặc “giả điếc” lờ đi sẽ vô tình cổ xúy cho các kiểu đối xử phân biệt giới tính tiếp diễn; ngược lại, phản ứng quá gay gắt càng kích thích đối tượng leo thang.

- Cháu hãy nói rằng không thích nghe những lời nói, nhận xét, bình phẩm về phân biệt giới. Nếu không có tác dụng, hãy chọn phương án rời khỏi cuộc nói chuyện đó.

- Khi bị 1 bạn hoặc 1 nhóm bạn có ý định bắt nạt, cháu cần đàm phán với giọng điệu bình tĩnh, chậm, rõ ràng, nhìn thẳng khi nói chuyện, cảnh báo hậu quả nếu cứ tiếp tục. Cần báo với nhà trường, thầy cô để cùng gia đình phối hợp giải quyết. Đừng bao giờ để mình rơi vào thế bí, trở thành nạn nhân của những cuộc hành hung.

- Nếu đối tượng là người ngoài xã hội, phải báo sự việc cho công an khu vực nơi gần nhất để ghi nhận sự việc và răn đe đối tượng.

- Đừng suy nghĩ tiêu cực hoặc tìm cách trả thù hay bỏ học, buồn phiền, thách thức, bất mãn mà hãy tham gia vào các nhóm bạn cùng sở thích (tiếng Anh, thể thao…) để có thêm đồng minh.

Con người dù là giới tính nào hay mang xu hướng tính dục nào đều có quyền được sống trong một xã hội bình đẳng, cháu ạ.

Theo phụ nữ TPHCM