Vì hoàn cảnh gia đình, 19 tuổi, con phải đi làm thay vì tiếp tục đi học. Con có năng khiếu hát hò, ngâm thơ, hình thức khá nên hay được cấp trên điều động đi tiếp khách, cắt cử làm lễ tân mỗi khi cơ quan có sự kiện văn hóa hoặc khóa tập huấn hay đợt học tập chính trị quan trọng.

Về sau, vào những kỳ thanh tra, con lại được trưng dụng. Thành ra ngoài giờ hành chính, công việc của con còn kéo dài sang giờ ăn trưa, tiệc tối, thậm chí cả cuối tuần… Gia đình con không vui, phản đối gay gắt, bảo con nếu không từ chối được thì tìm việc khác.

Con rất muốn biết suy nghĩ của cha mẹ để lựa lời giải thích và gỡ rối.

Một bạn gái 19 tuổi giấu tên (quận Gò Vấp, TPHCM)
leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Quả thật, trong các cuộc hội họp, ngoài cán bộ chủ chốt cũng cần có thêm vài “thanh niên tình nguyện” đạt chuẩn ngoại hình - ngoại giao - ngoại ngữ vừa làm chân “sai vặt” vừa làm… đẹp đội hình.

Xen giữa các báo cáo là giờ giải lao với vài tiết mục hấp dẫn. Nhiều ca sĩ không chuyên đã tỏa sáng và được mọi người công nhận qua những tiết mục văn nghệ quần chúng mà nếu chỉ ru rú ở nhà sẽ chỉ “mẹ hát, con khen hay”. Nhiều nhân tài có cơ hội phát lộ, sau đó được đề cử vào các vị trí thủ lĩnh đoàn thanh niên, thư ký, trợ lý…

Mỗi lần cơ quan phân công lớp trẻ tham gia là có ý “so tài” với các đơn vị khác, bởi thế ai cũng có ý thức thực hiện giờ giấc nghiêm chỉnh, trang phục lịch sự và tham gia hết mình các hoạt động bên lề sự kiện. Nói nhỏ: phòng nhân sự còn coi việc cử nhân viên trẻ đi thực tế là một phương án “đi xem mắt”, “mài cưa”, “giải ế” cho “hội độc thân” bởi cứ cặm cụi ở đơn vị với những gương mặt cũ thì làm sao quen biết, tìm hiểu được ai!

Dù bận rộn và bị chiếm dụng thời giờ nhưng ít bạn trẻ thoái thác, vì đó là dịp được lãnh đạo tin dùng. Nhiều bậc cha chú còn “thiết kế” những buổi họp hành kiểu này nhằm khéo léo giới thiệu đội ngũ cán bộ kế tục, đào tạo nguồn…

Tuy nhiên, không phải lần trẩy hội nào cũng vui, nhất là khi Tấm có chương trình riêng (đi học thêm, họp mặt gia đình/bạn bè…). Từ chối, xin phép vắng mặt chỉ nhận được cái lắc đầu. Nhưng buồn nhất là những lời đồn đại xung quanh những lần được cắt cử đi hoạt động phong trào. Những người ở lại phải gánh việc của người đi sẽ “bằng mặt mà không bằng lòng”, bình phẩm đạo đức của những em gái “suốt ngày cười cười nói nói, đi ăn rồi thì karaoke “hát với nhau”, làm gì chẳng có chuyện này nọ”, dù Tấm có phấn đấu được lên chức, tăng lương theo đúng kỳ hạn cũng bị nghi ngờ chẳng qua là do… “quan hệ”.

Mà thiên hạ nghi oan cũng có cơ sở, đã bia rượu giao đãi là phải vui, vui thì không thể thiếu những chuyện tiếu lâm chay - mặn “muốn hiểu sao thì hiểu”; hỏi thăm kết tình đồng hương, nhận anh em kết nghĩa, em nuôi (kèm lời cảnh báo: “phàm con gì đã nuôi đều ăn thịt được”). Đã ăn uống là có mời mọc, cưa đôi, trăm phần trăm, cạn ly cùng với những cái bắt tay, khoác vai, bá cổ có thể chuyển thành “quấy rối” lúc quá chén, vài câu đùa thô thiển, những đụng chạm cố ý hoặc lời mời khiếm nhã...

Với sự từng trải và lo xa của người đi trước, hẳn là cha mẹ cháu đã lường chuyện tiếp khách từ chỗ “vui là chính” đến vượt giới hạn có khoảng cách không xa. Cháu hiểu được nội tình và tâm tư của cha mẹ để tiết chế các hoạt động ngoài giờ, trước là tôn trọng những ranh giới lành mạnh để giữ mình, sau là để gia đình yên tâm rằng mục tiêu của cháu là đi làm, độc lập, tự tin chứ không phải ham vui, bốc đồng.

Theo phụ nữ TPHCM