Cháu và bạn ấy yêu nhau từ cuối năm lớp Chín, nay đã tròn 2 năm. Phụ huynh của 2 đứa biết chuyện và bật đèn xanh cho cặp thanh mai trúc mã, cùng đăng ký lớp học thêm hoặc thuê gia sư, mỗi khi nhà này có tiệc thì nhắn nhà kia sang tham dự, nghỉ lễ cũng lên kế hoạch cùng nhau… Nhưng gần đây bạn ấy chuyển hướng sang một nàng hot girl mới chuyển đến trường cháu. Cháu vô cùng đau khổ, đầu óc sôi sục ý nghĩ: phải hẹn gặp để “ba mặt một lời”, rủ hội bạn đi hỏi tội kẻ phá đám, méc gia đình 2 bên chuyện bạn ấy trốn học đưa người mới đi chơi, thay đổi ngoại hình để khiêu khích kẻ phản bội…

Cháu không biết tính sao, đành giả bệnh để ở nhà ủ mưu.

Một nữ sinh lớp Mười một (quận Gò Vấp, TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Hiếm ai có thể bình tĩnh, coi như không có chuyện gì xảy ra khi bất ngờ biết mình là người bị bỏ lại phía sau. Rơi vào tình huống này, họ thường phạm phải những sai lầm rất ngớ ngẩn, đã không xử lý được vấn đề lại còn khiến mình trở nên nực cười trước mắt thiên hạ.

Chiêu “giả bệnh” ở nhà của cháu nhằm tránh tiếp xúc với đối phương và không bị khách quan tác động là khôn ngoan. Cái khôn tiếp theo là cháu đừng phát động chiến dịch điều tra, phá án (gọi điện thoại/nhắn tin vặn vẹo, tra hỏi bạn ấy về mối quan hệ mới hoặc dò xét/truy vết “kẻ kia” qua nhiều kênh thông tin). Nhiều cô gái tiêu tốn quá nhiều thời giờ và năng lượng cho những cuộc tìm kiếm vô nghĩa chỉ để chứng minh một điều đã rõ: tình cảm người ấy dành cho mình không còn như trước. Làm ầm ĩ lên, nộ khí xung thiên, bắt quả tang họ trốn học đi chơi với nhau chỉ làm cháu mất vui, khiến cháu trở nên nực cười và xấu xí trước mặt người chứng kiến.

Cháu cũng đừng đổ lỗi cho bạn gái kia. Cô ấy không phải là “cái đồ xấu xa” đi cướp bạn trai của người khác, kẻ dùng sắc đẹp dụ dỗ người khác, cũng không phải có điều gì đặc biệt mà cháu không có hoặc tốt hơn cháu. Thay vì trút giận lên cô gái ấy, cháu hãy tập trung vào sự thật rằng bạn trai cháu đang trong giai đoạn “tự diễn biến và chuyển hóa”. Nếu không phải là bạn gái ấy, sẽ có một ai đó. Kể cả khi nữ sinh đó bị tách khỏi bạn trai cháu, vẫn còn nhiều cô gái khác.

Cháu cũng không nhất thiết phải thay đổi để giữ chân bạn ấy. Việc bạn trai cháu theo đuổi cô gái khác không hề phản ánh giá trị của cháu mà chỉ ra rằng bạn ấy còn thiếu kỹ năng duy trì một mối quan hệ tình cảm, thiếu chín chắn khi có những rung động bộc phát trước một nhân tố lạ… Tức là vấn đề ở bạn ấy, không phải cháu. Chớ nên nghĩ rằng nếu cháu mảnh mai hơn, xinh đẹp hơn, sắc sảo hơn thì bạn ấy sẽ rời bỏ bạn gái kia và quay về với cháu. Hãy dành thời gian ấy để học cho tốt để tự hào và nâng cao giá trị bản thân.

Điều tốt nhất cháu nên làm để sau này không phải hối tiếc là trình bày thẳng thắn tình cảm của mình với bạn ấy, cho bạn biết rằng việc tán tỉnh người khác như vậy có thể phá vỡ lòng tin và khiến cháu cảm thấy không an toàn, cho bạn ấy thời gian suy nghĩ lại rồi đưa ra câu trả lời dành cho cháu. Một số chàng trai lỡ thích một ai đó khi đang có người yêu sẽ chỉ dừng lại ở mức nói chuyện với người ấy nhiều hơn, sẽ biến cái “thích” đó trở thành một mối quan hệ bạn bè ở mức độ thân thiết. Cháu có thể đưa ra 2 phương án: một là chúng ta trở về tình cảm thanh mai trúc mã như trước, hai là chấm dứt mối quan hệ hiện tại thì mới bắt đầu mối quan hệ mới. Bởi, nếu đã coi cháu như người yêu mà trái tim vẫn dao động trước người con gái khác thì chắc hẳn tình cảm ấy chưa đủ đậm sâu.

Việc cháu quyết định “tha bổng” hay “dừng lại” tùy vào tình cảm của mình cũng như sự chính trực của bạn trai.

Theo phụ nữ TPHCM