Con trai tôi công khai nắm tay nắm chân, đầu mày cuối mắt với “người yêu” trước bao cặp mắt của bạn trong lớp. Đến nỗi thầy chủ nhiệm phải trao đổi với phụ huynh về tác phong của cháu. Cha mẹ bạn gái kia cũng gọi điện đến nhà đề nghị hai gia đình cùng hợp tác, kẻo hai đứa xao nhãng chuyện học, bởi họ chỉ cấm được con gái mình chứ ngăn sao nổi chàng Romeo manh động.
Tôi và mẹ cháu hết nhỏ to lại đến can thiệp sâu mà nó vẫn không chịu dừng lại.
(Phụ huynh một học sinh lớp 10 ở TPHCM)
|
Con trai tôi công khai cử chỉ hành động tình cảm với bạn gái lớp 10 (Ảnh minh họa) |
Theo khoa học, độ tuổi 15-19 là lúc xung năng tình dục đạt mức cao nhất của đời người nhưng kỹ năng kiềm chế cảm xúc và kiểm soát hành vi lại thiếu. Bởi thế, vị thành niên dễ mắc sai lầm trong chuyện tình cảm. Có những lỗi có thể cho qua, có lỗi còn cơ hội sửa chữa, nhưng có lỗi đôi khi phải trả một giá quá đắt.
Ngày nay, nhiều trường cấp III đã không còn cấm học sinh yêu đương, chỉ nhắc nhở các em không để tình cảm làm xao nhãng việc học hành, thi cử. Thầy cô nào cố gắng can thiệp sẽ tốn nhiều công sức mà nhận về toàn chuyện “lành ít dữ nhiều”.
Thứ nhất là các “đối tượng” chuyển từ hoạt động công khai sang bí mật, lúc bị lộ thì nói dối, bao che cho nhau. Có trẻ còn ngang nhiên bật lại, bướng bỉnh, bất cần.
Thứ hai, có thể “chuyện tình yêu” của trẻ bị phụ huynh thiếu tâm lý làm hư bột hư đường. Chẳng hạn, sau khi thầy cô vừa trao đổi, cha mẹ đã về nhà làm ầm lên, làm mất mặt con cái khiến học sinh càng “hận” thầy cô. Có phụ huynh “nghe đâu bỏ đó”, không hợp tác với nhà trường khiến con cái đâm lờn.
Thứ ba, có thầy cô áp dụng cách làm việc riêng rẽ với vài em trong lớp như chiếc ăng-ten để nắm thông tin nội bộ. Công tác “tình báo” có khi được việc nhưng khơi dậy những góc tối trong tâm hồn học sinh liệu có đúng phương pháp sư phạm hay không?
Sao người lớn không đứng về phía hươu?
Tôi từng thấy một chuyện hay như… phim: Có cậu học sinh cá biệt nọ, thông minh nhưng chán học, gia đình và thầy cô không trị nổi nhưng lại rất nghe lời “gấu”. Thế là cha mẹ liền bí mật liên hệ, nhờ bạn gái khuyên bảo con mình.
Cô bạn thấy mình được cha mẹ “người yêu” tín nhiệm càng tận tâm nhắc nhở bạn trai, nhân cơ hội “ghi điểm” với phụ huynh. Được gia đình hai bên “đẩy thuyền”, hai bạn phấn đấu, nỗ lực hơn để cùng nhau vào được trường đại học mơ ước. Yêu như thế, thầy cô, cha mẹ, bạn bè nào chẳng tôn trọng, ngưỡng mộ.
Lúc này, hai gia đình đừng cấm đoán mà hãy đứng về phe tụi nhỏ và xử theo “Luật 80/20” (80 phần đồng thuận, 20 phần nhắc nhở). Riêng chú hươu “manh động”, gia đình - nhất là người cha - hãy nói với hươu “con gái thích gì” để lên phương án chinh phục:
• Thích “trai tài”: Nếu bạn trai học dở, con gái nhanh chán lắm. Con phải ráng học. Học càng giỏi “cưa” càng bén.
• Thích tài lẻ: Con trai cần học thêm “món” gì đó: nấu ăn, đánh đàn, chơi thể thao… để “thính” thơm hơn.
• Thích mẫu con trai tự lập, giàu trải nghiệm: Dịp lễ tết, hè, con hãy đi làm thêm ở đâu đó và mời bạn gái trà sữa bằng tiền công mình kiếm được cho nàng “ngạc nhiên chơi”.
Bồi thêm cú chót: Con có thể hiên ngang bất chấp thiên hạ nhưng phải nghĩ cho bạn gái của mình nữa chứ! Việc thể hiện tình cảm ngay trong lớp, chỗ công cộng như ngầm chứng tỏ với cả thế giới rằng “yêu đương là quyền”. Chính điều đó đẩy bạn gái con vào tình thế bất lợi: ánh mắt thiếu thiện cảm của thầy cô và bạn bè, những lời bình phẩm không hay, làm cha mẹ bạn gái phiền lòng…
Bản lĩnh của con trai là giữ cho người mình yêu, để mọi người có cái nhìn tốt đẹp về bạn gái mình và tình cảm của hai đứa.
Không nên coi rung động giới tính ở tuổi học đường là phạm tội. Việc trai gái nắm tay nhau trong lớp vào giờ chơi không vi phạm nội quy của các trường phổ thông trên toàn thế giới.
Cha mẹ hãy “nói có sách mách có chứng” những chuyện có thật. Mưa dầm thấm đất, các hươu sẽ tự rút ra “bài học”:
Ta chỉ có một tuổi thanh xuân. Nếu đùa giỡn, trêu cợt, suồng sã làm cho nó nhàu nát, sờn rách, sứt mẻ thì đúng là quá có lỗi với bản thân, bạn bè, người ấy.
Theo phunuonline.com.vn