Kính gửi chị Hạnh Dung,

Chị gái tôi trước đây có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Chị chia tay chồng rồi về sống chung với mẹ, không lấy ai nữa và cũng không có con.

Tôi và mẹ đều biết chị vẫn nặng lòng yêu thương người chồng cũ, dù ông ta đã cư xử rất tệ với chị. Lúc chia tay, ông ta không đưa cho chị đồng nào phòng thân. Bao nhiêu năm ông ta cưới vợ mới, sinh con, không hề đoái hoài hỏi thăm chị tôi một tiếng. Nhưng chị tôi vẫn âm thầm hỏi thăm thông tin về ông ta, thậm chí có lần còn giấu giếm vô bệnh viện thăm khi ông ta bị bệnh.

Mẹ tôi nhiều lần khuyên chị gái nên lập gia đình nhưng không có kết quả. Chị tôi khó tính, lúc sống với mẹ, cả 2 người cũng thường xuyên bất đồng, cự cãi, giận lẫy.

Mẹ tôi mất đột ngột đã 2 năm rồi, 2 chị em tìm di chúc không thấy. Nay tôi muốn phân định rõ ràng - căn nhà của mẹ nếu bán đi thì chia đôi cho 2 chị em, còn nếu không bán thì cũng phải kêu định giá theo thị trường, ai muốn giữ căn nhà thì trả lại phân nửa số tiền cho người kia.

Nhưng chị tôi không chịu theo đường nào hết. Chị nói mình không có tiền, nếu bán nhà đi thì sẽ không có chỗ ở. Ý chị vẫn muốn ở trong nhà mẹ. Chị nói chị không có con cháu gì, mai đây có chết đi thì nhà này cũng để lại cho tôi hoặc con tôi thôi chứ đâu còn ai nữa.

Tôi biết tính chị và rất lo lắng. Ngày trước mẹ còn sống, mẹ nói chị còn không nghe, huống hồ nay một mình chị tự quyết. Chị em nói chuyện với nhau rất khó khăn.

Tháng trước tôi đã vận động con trai chuyển qua ở với dì, nhưng chị tôi kiếm chuyện đuổi cháu về, không cho ở. Chuyện làm tôi buồn hết sức mà không biết giải quyết sao.

Ngọc Hương (TPHCM)

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ


Chị Ngọc Hương thân mến,

Tài sản thừa kế luôn là vấn đề đau đầu của mỗi gia đình. Nhiều khi anh chị em trong nhà đang sóng yên bể lặng, thuận hòa yên ấm, vậy mà khi nói đến tài sản thừa kế lại tự nhiên căng thẳng, xung đột dữ dội.

Nhiều gia đình, anh chị em kéo nhau ra tòa hết lần này đến lần khác vẫn không xong, tình cảm gia đình đứt gãy, tổn thương nghiêm trọng. Nói vậy để chị cân nhắc, tìm cách nhẹ nhàng để thu xếp, tránh gây ra thêm những bất đồng, dễ dẫn đến chỗ bế tắc.

Trong tâm thế chị gái của chị có thể còn có cái tủi phận vì mình kém may mắn. Vậy nên bây giờ sẽ khó nếu ta yêu cầu chị ấy phải dứt khoát, rạch ròi ngay mọi chuyện. Chị nên lựa lời, từng bước một nói chuyện với chị ấy.

Ví dụ, nếu lo lắng về chuyện tình cảm cũ hay việc chị ấy hay quyết định một cách cảm tính, chị cũng đừng nên chỉ trích, nói chuyện kiểu “giảng giải đạo lý”, bắt phải làm thế này thế nọ, chị ấy sẽ cảm thấy chạnh lòng. Thay vào đó, chị hãy bàn về chuyện sức khỏe của cả 2 chị em, việc sống một mình, những chuyện phải lo lắng, phải cẩn thận. Giấy tờ nhà đất nên đem gửi ở ngân hàng cho đảm bảo.

Con cháu thỉnh thoảng chạy qua thăm hỏi, giúp đỡ dì là rất đáng quý, nhưng nếu lôi kéo con mình vào cuộc tranh giành chia chác này thì không nên. Đám trẻ chưa có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm cư xử, nhiều khi làm cho mọi chuyện càng thêm tệ đi.

Thời gian qua nhanh, lúc này chị mình đang khỏe mạnh có thể không cần tới ai khác, nhưng rồi cũng có khi đau ốm, cần người bên cạnh. Chị em gái với nhau, chị ân cần chăm lo cho chị ấy, rồi sẽ có lúc thuận tiện để bàn bạc với nhau chuyện ngôi nhà một cách hợp tình hợp lý hơn.

Chị cũng nên cân nhắc việc nhờ luật sư tư vấn cho 2 chị em, lập trước di chúc để cả hai đều yên tâm và đỡ phải suy nghĩ lăn tăn nhiều.

Chuyện ngôi nhà, không cần phải “cưa đứt đục suốt” ngay lúc này. Quan trọng là giữ gìn tình cảm chị em, gia đình, rồi thì mọi chuyện khác sẽ có cách thu xếp ổn thỏa, tốt đẹp. Ta đặt con người lên trước hết, tình cảm gia đình là quan trọng, chị ấy sẽ cảm nhận được, hiểu được.

Chúc chị bình tâm thu xếp ổn thỏa việc nhà.

Theo phụ nữ TPHCM