Chị Hạnh Dung kính mến,
Tôi và vợ năm nay đều đã gần 50 tuổi. Gia đình tôi bố mẹ còn khỏe cả. Vợ tôi thì mất cả bố lẫn mẹ cách đây 10 năm. Thời gian đó, tôi thương vợ tôi lắm, vì bố mẹ cô ấy mất gần như trong cùng một năm và cô ấy suy sụp rất nhiều.
Thế nhưng gần đây, qua một người bạn, tôi mới biết rằng thời đó mẹ cô ấy bệnh nặng, tong khi liên lạc với người bác sĩ chữa bệnh cho mẹ thì vợ tôi bị ông ta sàm sỡ. Vì sợ nếu phản ứng thì ông ta sẽ không lo cho mẹ mình hết lòng, nên cô ấy đã cắn răng chịu đựng. Họ có quan hệ gần gũi 3 lần ngay tại phòng mạch của ông ta.
Sau khi mẹ mất, cô ấy đã cắt đứt mọi liên lạc, dù ông ta vẫn cố gắng tìm cô ấy, thậm chí có lần còn đe dọa cô ấy nêu không chiều ông ta, thì ông ta sẽ tới tìm tôi để nói chuyện này. May mà cô ấy đã nghe lời bạn bè mà dọa ngược lại rằng sẽ tố cáo ông ta quấy rối, vì rằng cô ấy còn giữ mọi bằng chứng trên điện thoại.
Khi biết chuyện này, tâm trạng tôi rất đau đớn, buồn khổ. Tôi đã hỏi vợ và cô ấy cũng thừa nhận mọi chuyện, nhưng vẫn bào chữa rằng vì mẹ mà cô ấy làm thế. Tôi tức giận vì sao lúc đó cô ấy có thể làm như vậy? Cô ấy có thể nói với tôi để chúng tôi tìm bác sĩ khác, bệnh viện khác, và trừng phạt tên bác sĩ biến thái kia, chứ sao lại chấp nhận làm chuyện xấu xa như vậy?
Tôi chỉ muốn xông đến, đánh chết tên bác sĩ kia hay ít ra tố cáo hắn ra công an, với nơi làm việc. Vì hắn làm ở một bệnh viện lớn. Ở những nơi như vậy, tôi nghĩ người ta không thể coi thường y đức của bác sĩ. Thế nhưng, vợ tôi lại van xin tôi tha lỗi cho cô ấy và bỏ qua mọi chuyện. Điều đó khiến tôi càng đau lòng hơn.
Phải chăng chuyện này không hẳn là bị ép buộc, mà do cô ấy tự nguyện? Cô ấy nói không muốn um xùm mọi việc đã qua cả chục năm, tự làm nhục bản thân trước khi xử tên bác sĩ kia. Phải chăng vợ tôi nói dối tôi, cô ấy vẫn còn tình cảm với tên bác sĩ ấy? Tôi nên tha thứ, bỏ qua hay là ly hôn? Tôi có nên tự mình xử tội tên bác sĩ kia? Xin chị Hạnh Dung giúp tôi.
Mạnh Tường
Anh Mạnh Tường thân mến,
Trong câu chuyện này, có thể thấy rõ ràng một điều: vợ anh là nạn nhân chứ không phải là cố tình phản bội anh. Bởi nếu cố tình, chắc chắn cô ấy sẽ còn tiếp tục mối quan hệ sai trái đó sau khi mẹ mất. Cái lỗi của cô ấy ở đây chỉ là sự yếu đuối, sợ hãi quá mức mà không bàn bạc với anh để được anh giúp đỡ.
Thế nhưng, không phải ai trong những hoàn cảnh khó khăn đều có thể đủ sức mạnh, bản lĩnh để đối phó theo cách hay nhất. Nhiều khi sự hy sinh chính bản thân mình khiến họ bớt phần lo lắng hơn, vì nghĩ chỉ mình mình chịu thiệt. Tâm lý này là có thật, và mong rằng, nếu như không thể thương xót cô ấy, thì anh cũng có thể hiểu được vợ mình và thông cảm với cô ấy.
Giờ đây mọi việc đã lùi vào quá khứ rất xa. 10 năm có lẽ cũng đã đủ để mọi đau đớn, tủi nhục của cô ấy được chôn vùi, khỏa lấp phần nào. Cảm giác sợ hãi của cô ấy khi nghĩ rằng mọi việc sẽ bị xới lên lần nữa trong cảm xúc của bản thân, và nhất là phơi bày ra trước nhiều người cũng là điều có thể hiểu được.
Hạnh Dung không nghĩ rằng trong câu chuyện này, cô ấy còn điều gì khuất tất giấu giếm anh. Và nếu anh có thể thương cô ấy mà bỏ qua, an ủi, xoa dịu cô ấy, thì chắc rằng đó là hành động cần thiết nhất với cô ấy lúc này. Cô ấy đã phải gánh vác điều tủi hổ này quá lâu, và chắc là quá nặng.
Với tên biến thái đó, nếu tố cáo hắn, thì anh sẽ đẩy vợ mình vào việc phải đứng ra làm chứng này nọ rất đau khổ, mà chưa chắc mọi việc đã có kết quả như anh mong muốn. Đấm vào mặt hắn, nếu quá tay, anh có thể gặp rắc rối với pháp luật. Vậy cho nên, nếu muốn làm gì để giải tỏa được nỗi đau của mình, thì anh cũng hãy hết sức cân nhắc, suy nghĩ cặn kẽ để đừng từ nạn nhân biến thành tội đồ.
Theo phụ nữ TPHCM