Chị Hạnh Dung kính mến,
Tôi cưới vợ gần 1 năm. Có 1 bé 4 tháng tuổi. Bản thân tôi ăn học đàng hoàng, gia đình gia giáo. Tuy nhiên tôi có cái tật hay ngắm các cô gái đẹp. Nhưng ngắm rồi thôi chứ không xao động hay lung lay gì. Vợ tôi lại nóng tính, cực ghét chồng đi với mình mà ngắm nhìn hay nhắn tin với các cô gái.
Tôi trước giờ vẫn một lòng chung thủy, chưa bao giờ nghĩ hay làm chuyện không tốt với vợ con. Nhưng cô ấy luôn nghĩ là tôi đi với gái, rồi bồ bịch này nọ… Mỗi lần nóng lên là cô ấy chửi rủa, dùng từ ngữ thô tục xúc phạm, giờ còn đòi ly hôn.
Tôi không đồng ý, vì nghĩ đến con còn nhỏ. Tôi cũng không làm gì gây hậu quả nghiêm trọng mà bị dựng chuyện nói xấu rồi đòi ly hôn. Nhờ chị tư vấn giúp tôi.
Minh Nhật (quận 3, TPHCM)
Minh Nhật mến,
Câu trả lời nằm phần lớn ở thông tin “em có con 4 tháng tuổi”, tức là vợ em mới sinh con chưa lâu. Cô ấy đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất về tinh thần của phụ nữ - “khủng hoảng tâm lý sau sinh”.
Chắc em không lạ những trường hợp phụ nữ trầm cảm sau sinh đến mức có hành động tiêu cực. Không phải ai sinh xong cũng trầm cảm, nhưng sự xáo trộn tinh thần sẽ đến với mọi người và nếu hoàn cảnh gia đình tạo thêm các bất lợi về tâm lý (với các bức xúc, buồn bã, thất vọng), họ rất dễ rơi vào căng thẳng, trầm cảm.
Những xáo trộn tinh thần sau sinh thường sẽ biểu hiện bằng việc phụ nữ trở nên rất nhạy cảm, kỳ vọng nhiều hơn ở chồng, thiếu tự tin, cảm thấy mình vô dụng, vô giá trị. Và mọi biểu hiện từ người chồng sẽ là “nguồn thông tin” bồi đắp cho quán tính tự ti, tự trách mình của họ.
Nhìn từ bên ngoài, sẽ dễ thấy họ vô lý, thiếu kiên nhẫn, cực đoan, làm quá vấn đề… Thế nhưng, cốt lõi của những điều đó là nỗi khó khăn tinh thần mà chỉ có vợ em mới nếm trải, dù sinh con là sự kiện của 2 vợ chồng.
Lúc này, hãy vào vai một người đàn ông, một chỗ dựa tinh thần để giúp vợ vượt qua khó khăn. Đây không phải là lúc nói lý lẽ. Có thể “ngắm các cô gái đẹp” là chuyện bình thường, nhưng trong giai đoạn vợ đang nhạy cảm thì nên gác lại thói quen có thể làm hại đến vợ mình.
“Hại” ở đây nghĩa là làm cô ấy suy nghĩ, làm nặng thêm tình trạng căng thẳng tinh thần của cô ấy. Nếu nói vui theo ngôn ngữ của cộng đồng mạng thì trong giai đoạn này, em không được phép ngắm ai ngoài vợ và con.
Như đã nói, khi tâm lý của vợ đang bất ổn, em đừng xem những lời vợ nói là xúc phạm đến mình. Hãy hiểu rằng đó chỉ là cách cô ấy giải tỏa bức xúc trong lúc không có khả năng giải tỏa một cách lành mạnh.
Để tránh phải nghe những điều khiến mình khó chịu, em hãy làm tròn vai một người chồng và quan tâm, yêu thương, nâng đỡ vợ. Hãy dành sự tập trung vào vợ và con. Và hãy nói chuyện để những người thân gần gũi nhất hỗ trợ cô ấy, không gieo thêm vào cô ấy những áp lực, không góp ý chuyện dạy con hay chê bai vai trò làm mẹ.
Đặc biệt, trong hoàn cảnh của em lúc này, em tuyệt đối không nên liên hệ ngoài công việc với bất kỳ người phụ nữ nào, dù là xem hình, nhắn tin hay gặp gỡ.
Vượt qua giai đoạn này, vợ chồng em sẽ khắng khít hơn xưa. Lúc đó, những “oan ức” của em cũng sẽ được vợ hiểu một cách dễ dàng, khi tinh thần của cô ấy tốt hơn và khi cô ấy đã nhìn thấy hình ảnh chung thủy, chân thành, yêu thương của em trong gia đình.
Có một bí mật là gần như tất cả những người chồng đều trải qua giai đoạn này. Hạnh Dung hiểu em rất quý gia đình và thương con. Vậy hãy cố gắng vượt qua giai đoạn này, em nhé.
Theo phụ nữ TPHCM