leftcenterrightdel
 Họ đã có 10 năm hạnh phúc bên nhau (ảnh minh họa)

Bạn tôi có một mối tình đẹp thời sinh viên. Họ yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, kết hôn ngay sau khi ra trường và nhanh chóng đón đứa con đầu lòng. Những tưởng quả ngọt sẽ thơm bùi mãi trong ngôi nhà của họ, nhưng thời gian sau cả hai rơi vào khủng hoảng. Đó là những lần cãi vã về tiền nong, chuyện dạy con rồi cả những chuyện vặt vãnh trong gia đình...

“Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng” nên chuyện gì đối phương làm thì người còn lại không vừa ý. Lâu dần giữa họ thành một khoảng trống rỗng trì nặng khiến không ai muốn nói với nhau nửa lời, chiếc giường phòng ngủ thành nơi lạnh lẽo nhất.

Một hôm, cô chìa trước mặt chồng “đơn ly hôn”. Chẳng ai bảo ai và không một lời giải thích sau hơn nửa năm mạnh ai nấy sống, anh đón nhận đơn và ký tên.

Chữ ký tươi rói cùng những nét chữ vô cảm. Không ai còn bận tâm ai sẽ như thế nào về sau. Trước đó, cô nói nếu ly hôn, cô sẽ nuôi con bằng bất cứ giá nào, còn anh là người chu cấp. Anh được đến thăm con mỗi cuối tuần.

Giờ, anh dọn ra ngoài cùng mớ đồ cá nhân. Thỉnh thoảng khi cần gì đó, anh ghé nhà lấy những-cái-gọi-là-của-anh. Còn căn nhà, anh để lại cho cô và con.

Nhiều đêm cô trằn trọc mãi, không hiểu điều gì có thể kéo họ rời xa nhau, trong khi trước đây, có hờn giận, trách móc thì cùng lắm ngày thứ hai là anh đã làm hòa hoặc vợ chồng làm lành nhờ đứa con. Vậy mà 10 năm vợ chồng qua đi như một giấc mơ. Trên các nền tảng mạng xã hội, cả hai đã xóa nhau. Cô và anh chỉ giữ lại số điện thoại để liên lạc thăm con và cũng đổi tên chứ không lưu biệt hiệu dễ thương như trước đây.

Những tháng đầu sau khi ra khỏi nhà, cứ cuối tuần anh đều đặn đến thăm và đưa con ra ngoài chơi. Anh sợ ở lại rồi sẽ nấn ná những kỷ niệm về khoảng thời gian trước. Còn cô tự sắp xếp lại không gian cho ngôi nhà và chính bản thân, cũng như nhấn một phím F5 đầy mới mẻ cho cuộc sống đơn thân cùng con.

Sau những ngày cô thật sự suôn sẻ thì đến lúc con bệnh nặng, sốt co giật. Một mình cô tất tả đưa con đi bệnh viện trong đêm, nào làm thủ tục, nào bế con. Khi con an giấc tại phòng là lúc cô rã rời. Các giường bệnh của trẻ xung quanh, đứa thì mẹ thay ba, đứa thì ba thay mẹ để đỡ vất vả, còn cô chỉ một mình lặng lẽ nhìn con trong nước mắt.

leftcenterrightdel
 Những bệnh nhi khác có mẹ và ba chăm sóc, cô rã rời vì một mình xoay trở với đứa con (ảnh minh họa)

Lúc này, cô mới hiểu thế nào là đầy đủ tình yêu thương và một mái ấm trọn vẹn. Đến cuối tuần, anh đến thăm con. Nhìn 2 mẹ con vật vờ, hốc hác anh không kiềm lòng. Anh thay cô chăm con để về nghỉ ngơi.

Đầu tuần, bé xuất viện, anh cũng đến đưa con về nhà. Khi con đã ổn định, anh vừa định bước đi thì con năn nỉ: “Ba ơi, ở nhà với con đi. Ba đừng đi nữa!”. Cô ở phía sau nhà nghe được bỗng chạnh lòng muốn khóc.

Những ngày qua, cô đã suy nghĩ rất nhiều về mình, về con, về những đổ vỡ của cuộc hôn nhân. Người trưởng thành phải chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình, nhất là đối với những đứa con. Con cái được tạo thành bởi tình yêu của cha mẹ thì không thể để chúng thiếu đi tình yêu của ba hoặc mẹ…

Cô lên tiếng: “Anh không đi làm thì ở lại chơi với con. Chiều em với anh đi dọn đồ của anh về nhà lại”. Mắt anh rơm rớm, vì ngay chính những ngày “đơn thân độc mã” anh nghĩ rằng, bao nhiêu chuyện có thể bỏ qua và tha thứ để có cuộc hôn nhân này, tại sao cả hai không chịu hiểu và cho nhau cơ hội.

Cả nhà lại đoàn viên như chưa hề có cuộc chia ly. Lần chia ly “tạm” là để mỗi người soi xét lại bản thân mà sống tốt hơn, nhường nhịn và yêu thương nhau hơn...

Theo phụ nữ TPHCM