Vợ chồng cô Vân chú Vũ kết hôn thuận tình, có với nhau được 1 con trai. Mấy năm đầu sau hôn nhân sống khá hòa thuận, nhưng chẳng hiểu sao càng có tuổi lại càng xa cách. Đôi bên không có quan hệ "ngoài luồng", cũng không xung đột cự cãi gì rõ rệt, chỉ đơn thuần cảm giác cuộc sống chung ngày càng tẻ nhạt, "đồng sàng dị mộng". Mục đích của hôn nhân xem như thất bại, họ quyết định chia tay.

Cô Vân đề nghị viết đơn, ra tòa, chú Vũ bảo không. Chú nói không khí pháp đình nhiều chuyện không hay, nguy cơ gây tổn thương nhiều cho đôi bên cũng như cho con cái.

Phương án chú đề nghị là cuộc ly hôn tự thỏa thuận: con trai còn nhỏ nên cứ để mẹ nuôi. Bù lại, tài sản, nhà đất chú tạm giao cho cô Vân quyền quản lý; phần chú ra ngoài tự bươn chải, chỉ mang theo mỗi chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. Tháng tháng chú sẽ gửi tiền phụ cô Vân nuôi con.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

“Vậy còn chuyện hôn nhân giữa tôi và anh giải quyết sao? Không lẽ tôi cứ mãi mang cái danh vợ anh khi chuyện ấy không còn tồn tại?” - cô Vân hỏi. “Không sao” - chú Vũ đáp - “Chuyện này dễ thôi”. Nói xong, chú vào trong lục tìm, cầm ra tờ giấy chứng nhận kết hôn. Đột ngột, chú xé đôi tờ giấy, đưa một nửa cho cô Vân.

Bất ngờ, cô ngơ ngác không hiểu ý chú. Chú Vũ bình tĩnh giải thích: “Hôn nhân giữa tôi và em xác định bằng tờ giấy kết hôn. Giờ giấy đã xé đôi, không giá trị pháp lý, xem như hôn nhân không còn tồn tại. Mỗi người giữ một nửa như lưu giữ chút kỷ niệm tinh thần lúc còn sống chung, nhắc nhớ trách nhiệm chung với con cái mà thôi. Tôi không có ý định lập gia đình nên mọi chuyện đến đấy là xong. Phần em, khi nào có nhu cầu muốn đi bước nữa, em cứ đề nghị, tôi sẽ cùng em ra tòa làm thủ tục ly hôn chính thức. Bằng không, chúng ta cứ để yên vậy, coi nhau như bạn bè, cư xử thân ái, tôn trọng tự do của nhau. Dẫu cạn tình nhưng giữa 2 ta vẫn còn nghĩa và quan trọng hơn - 1 đứa con chung”.

Nghe chú Vũ nói, cô Vân thấy thấm ý, gật đầu ưng thuận.

Bàn giao hết "sản nghiệp" cho vợ cũ xong, chú Vũ lên đường chỉ với chiếc xe máy và một túi xách nhỏ đựng áo quần, vật dụng cá nhân. Nhờ người quen giới thiệu, chú tìm lên một ngôi trường miền núi cách xa nhà cũ gần 200km, xin làm bảo vệ. Công việc tháng 30 ngày, ăn ở luôn tại chỗ, hầu như không có lúc rảnh. Lương bảo vệ ít, nhà trường linh động cho phép chú mở căng tin trong trường bán ít bánh trái nước nôi kiếm thêm nên thu nhập cũng tạm.

Áp lực thời gian cho công việc, nhưng chú Vũ vẫn cố thương lượng với thầy hiệu trưởng hằng năm thu xếp cho chú 1 kỳ nghỉ dài dịp tết Nguyên đán để về thăm nhà. Được chấp thuận nên năm nào cứ đến tết là chú Vũ sắp xếp, bàn giao công việc, khăn gói lên đường về phố.

Về lại chốn xưa, không chỉ để thăm gia đình, gặp con trai, chú còn thu xếp thời gian mời vợ cũ đi ăn sáng, uống cà phê, thân mật như chưa hề có chuyện chia tay. Đôi khi tiện thể, cô Vân cũng không ngại… ngồi lên xe chú chở. Có năm chú Vũ về thăm, nhằm lúc cô Vân đang bệnh. Tết nhất neo người, không nhờ ai được, chú phải lãnh việc đưa cô đi viện, trực chăm cho đến khi cô ổn, xuất viện thì kỳ nghỉ phép của chú cũng vừa vặn kết thúc. Mất trắng cái tết, nhưng chú Vũ vẫn coi như bình thường, không hề ca thán.

Sống xa con, chú Vũ vẫn thường xuyên liên lạc, chuyện trò, bảo ban con qua điện thoại. Cô chú đều nhất trí không vội cho Nghĩa (tên đứa con chung) biết về tình trạng hôn nhân của ba mẹ. Năm nào đến dịp nghỉ hè, cô Vân cũng thu xếp đưa con lên ngôi trường nhỏ vùng cao ở chơi với ba một thời gian mới về lại phố. Với chú Vũ, đó là quãng thời gian vô cùng hạnh phúc, dù chú chưa từng đòi hỏi mà chỉ để cô Vân ý thức tự thu xếp.

Hè năm rồi, có Nghĩa lên chơi, chú Vũ lái xe đi công việc, không may bị tai nạn phải nhập viện, còn bị hôn mê. Nhận điện thoại cầu cứu của con trai, cô Vân tức tốc thu xếp hành trang, lên với cha con chú Vũ. Dù sao thì, cô nghĩ, chú Vũ cũng là ba của Nghĩa, tờ "hôn thú" vẫn còn…

Theo phụ nữ TPHCM