Sống với nhau kiểu gì khi chị không ăn và không biết nấu món Việt, anh thì không thể ăn đồ Tây?

 
                     Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Hồi anh chị cưới nhau, ai cũng vui mừng chúc phúc vì họ vừa đẹp đôi, vừa yêu nhau say đắm. Nhưng nghĩ đến thực tế hôn nhân sau này, ai cũng rùng mình. Gia đình chị có nhiều thập niên sống ở Mỹ, mới về Việt Nam chừng mười năm trở lại đây.

Dù sống ở TP.HCM, nhưng họ vẫn giao tiếp, sinh hoạt như đang ở Mỹ, vẫn trò chuyện với nhóm bạn bè quốc tế. Họ lại bay Việt - Mỹ như chim, xem cả hai vùng đất đều là nhà. Chị là con út trong gia đình, sinh ra và lớn lên ở Mỹ nên tiếng Việt chỉ trọ trẹ, mọi phản xạ đều dùng tiếng Anh. 

Anh là “người nhà quê” giỏi giang, học hành và thăng tiến trong môi trường đa quốc gia, dễ thích nghi với mọi nền văn hóa. Tuy nhiên, trong đời sống riêng tư, anh “rặt” nông thôn. Từ thiết kế nhà cửa cho đến ăn uống, giao tiếp, anh đều “mô phỏng” cuộc sống ở quê mẹ từ thời thơ ấu.

Căn nhà riêng anh xây vào năm 33 tuổi với kinh phí bạc tỷ nhưng cũng mang phong cách miền quê. Những nhà hàng anh thích nhất là nhà hàng cơm quê, phục vụ những đặc sản vùng quê Việt.

Tất nhiên, mọi nhu cầu cơm nước đều có thể được giải quyết bằng chị giúp việc. Nhưng họ hàng bên anh vẫn lao xao lo lắng: “Giúp việc đâu ở bên ta cả đời, trong khi cơm nước thì ngày ba bữa, vợ chồng tự lo được thì mới yên tâm”. Những lúc đó, mẹ anh lại tự trấn an, rằng “ai thèm nấy nấu”, nếu anh muốn ăn gì cứ tự nấu là xong.

Rồi đến chuyện văn hóa gia đình, anh thích họ hàng gặp nhau ôn thời đói kém, rồi nhắc nhau nhớ mấy đôi dép sứt quai, mấy cái quần rách đáy. Nhưng giờ, ở thành phố đó, anh chỉ có nhà vợ với những ký ức Tây phương xa lạ. Cung cách ăn uống và giao đãi cũng khác. Kiểu cách đó nếu chỉ thích nghi trên bàn tiệc hay tại công sở thì được, chứ nếu phải đối diện ngay trong nhà mình mỗi ngày, thì… cũng “mỏi”.

Những trải nghiệm về “khác biệt văn hóa” của mọi người khiến họ thấy ái ngại, và không tránh khỏi những hình dung bi quan về cặp đôi “chẳng có gì ngoài tình yêu” đó. Đã vậy, trong cái tết đầu tiên về thăm gia đình, anh chị còn hớn hở kể với cả nhà, rằng mỗi lúc muốn ra ngoài đi ăn, hai đứa đếm đi đếm lại chỉ vỏn vẹn ba món có thể ăn chung. 

TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội. Cả đại gia đình bùng lên cơn lo lắng cho tổ ấm của đôi trẻ chồng mê đồ Việt, vợ thích đồ Tây.

Mẹ anh xưa nay luôn giữ thái độ lạc quan thì giờ cũng hoang mang vì bà biết cậu quý tử chưa kịp học nấu nướng. Trong lúc mọi người thấp thỏm với từng ngày tự giãn cách của đôi trẻ, thì em gái anh thấy chị dâu đăng đàn trong một group đặc sản miền Trung: “Có ai mua dư cá nục, cá hồng không, chia cho mình với?”.

Đó toàn là mấy món cá khoái khẩu của ông anh. Lời cô em thuật lại là thế, chứ nghe nói cái “tút” kêu gọi chia cá của chị dâu viết sai chính tả trầm trọng. Nghe xong, cả nhà khấp khởi vì nghĩ đôi trẻ hẳn đã… tìm được tiếng nói chung. Gia đình miền quê bèn âm thầm gom mua thực phẩm địa phương để gửi vào tiếp tế. Rồi cũng trong một vài group khác, mấy đứa em “nằm vùng” lại phát hiện chị dâu hỏi cách “trữ đông thịt, cách kho rim”, rồi tham gia bình luận kể về những tai nạn nấu nướng dở khóc dở cười.

Bắt gặp hình ảnh bếp núc vật vã của chị dâu trên mạng, tụi nhỏ lập tức gọi vào cho anh, hỏi: “Anh dụ kiểu gì mà chị đi học nấu cả món cá kho thế?”. Anh cười ồ, thì cũng kiểu như trước giờ thôi! Tụi nhỏ lại thắc mắc: “Chị dâu ăn nhầm một miếng cá kho còn muốn xỉu mà, sao anh bắt chị ăn được thế?”.

Anh nói: “Chị chỉ nấu thôi. Ban ngày chị nấu cá kho, ban đêm anh phải đổi lại bằng mấy câu chuyện đứt dép, hái trộm, tắm sông hồi xưa đó! Rồi thỉnh thoảng lại học pha chế, làm ra mấy món nước bên Tây để… đổi lại. Ai thích gì thì mình cho nấy, chứ sao bắt được?”. Anh cười khề khà như vừa trả lời được câu hỏi kinh điển của cả gia đình mỗi lần về quê, rằng “tụi bây sống với nhau kiểu gì?”.

Thông tin đó nhanh chóng được phổ cập trong đại gia đình ở vùng Bắc Trung bộ. Mẹ anh chậc lưỡi gật gù: “Đúng thiệt, không thể coi thường mấy đứa yêu nhau!”.

 

Theo phunuonline.com.vn