Trên mạng có nhiều bài văn tả gia đình sau giờ cơm tối của học sinh, nội dung thường như sau:
"Sau giờ cơm tối ba em nằm trên ghế salon xem tivi, còn mẹ em thì ngồi dán mắt vào Facebook, thỉnh thoảng mẹ cười lên hay nét mặt tỏ vẻ cau có điều gì đó, rồi có lúc mẹ lấy ngón tay bung tấm hình nào đó ra xem kỹ càng từng chi tiết… Mẹ làm công việc này một cách chăm chú và say sưa, không biết gì đến xung quanh. Anh trai em đang luyện game trên máy tính bảng còn em thì vô tư bấm điện tử bằng chiếc điện thoại thông minh của ba"...
Giờ đây vào một quán ăn hoặc quán cà phê, bạn dễ dàng thấy gia đình 4 người cùng đi ăn trông hạnh phúc lắm, nhưng trên tay mỗi người là một điện thoại. Bé mới 5 tuổi cũng cầm điện thoại, cảm giác như cha mẹ giao cháu điện thoại cho… yên, con khỏi quậy phá đòi này kia.
Đó có phải là tình trạng hiện tại chung mà nhiều gia đình hôm nay gặp phải? 4 người sống trong một gia đình có 4 thế giới riêng không ai quan đến tâm ai, vì ai cũng có việc riêng để quan tâm.
Cô bạn trẻ của tôi kể chuyện, buổi tối, cô đang ngồi làm việc, cậu con trai 5 tuổi đứng phía sau, tay cầm món đồ chơi cô mới mua ban chiều, cháu níu lấy tay mẹ: “Chơi với con đi mẹ…..”. Mải miết với những con số trên bảng tính exel, cô chẳng chú ý.
Cuối cùng cậu con la lớn: “Chẳng có ai thèm chơi với con hết, con ghét mẹ, con chán nhà này lắm!”. Cô bạn hoảng hồn, liền dẹp công việc rồi bày trò chơi với con. Nhìn quanh, cô thấy đúng là chẳng ai muốn chơi với bé thật, chị gái thì dán mắt vào ti-vi, ông bố đang cầm điện thoại miệng cười tủm tỉm một mình…
Nhu cầu chơi và được chơi của trẻ con là một nhu cầu chính đáng, nhưng hầu như các bậc phụ huynh ít chú ý. Ngay như nhà tôi, hồi các con còn nhỏ, tôi cứ nghĩ bỏ tiền mua cho cháu món đồ chơi rồi mặc cháu chơi gì thì chơi, nhưng không phải. Trẻ con cần người lớn chơi chung hàng ngày giống như bạn bè, ngang hàng với nó, chơi với trẻ cũng phải vui theo trẻ, rồi bày trò này trò kia, kể cả những trò “ăn gian”.
Một anh bạn tôi nổi tiếng chiều con, tối nào anh cũng chịu khó ngồi chơi với con đến khi chúng đi ngủ. Anh kể về con gái nhỏ: “Chơi domino 3 người, trước khi nó đánh xuống con gì, nó nhìn sang tay thằng anh coi bài thế nào rồi mới đánh, nếu lỡ đánh hố, nó đòi được đánh lại”. Tôi thấy anh kể về trò láu lỉnh của con với gương mặt anh ngời ngời hạnh phúc.
Một chị bạn tôi than tối nào cũng bận bịu bởi chị phải chơi với các cháu ngoại, trước giờ đi ngủ phải kể chuyện cho các cháu nghe vì ba mẹ cháu làm ca, thường về rất trễ.
Cha mẹ nào cũng phạm sai lầm trong cách nuôi dạy con cái, hồi con trai tôi còn nhỏ, cháu hay nghịch phá. Nhà chật mà buổi tối cháu thường bày đủ trò để chơi một mình, đôi khi “để cho gọn”, và đỡ “nhức đầu”, tôi mắc mùng cho cháu đi ngủ sớm (sau khi cháu ngủ, tôi lại tranh thủ làm việc). Cái sự ngủ cũng có nhiều vấn đề, sách vở nói rằng khi trẻ ngủ, nên ru trẻ bằng một bài hát hay kể một câu chuyện thần tiên nào đó để đi vào giấc ngủ cháu có những giấc mơ đẹp, nhưng thú thật, tôi đều bắt cháu nhắm mắt bằng những câu hù dọa: “Nhắm mắt lại, ôm gối , kẻo ông kẹ kéo chân”, “Đứa nào lên giường không chịu nhắm mắt sẽ có bà phù thủy cào lưng, rồi ngủ mớ”… Đại loại những câu đáng sợ để cho cháu nhắm mắt, mà trẻ con khi nhắm mắt là bắt đầu chìm vào giấc ngủ.
Có khi tôi bực mình quá vì đã vào giường mà cậu còn quậy phá lung tung, tôi đét cho cu cậu một phát vào mông, thế là rươm rướm nước mắt, cu cậu quay vào tường ôm gối, rồi ngủ. Giờ nghĩ lại thấy hối hận vì mình đã không dành thời gian chơi với con. Nhưng mọi thứ đâu có làm lại được!
Nuôi con, không chỉ là nuôi, còn phải chơi với trẻ. Một điều rất mâu thuẫn là cha mẹ nào cũng muốn dành hết mọi sự cho con, thế nhưng nhiều cha mẹ thú nhận, chơi với con là việc rất chán, nhất là khi bận bịu với bao trách nhiệm khác. Nhu cầu của trẻ ngoài món đồ chơi còn phải có người chơi cùng. Một nhu cầu chính đáng đó có mấy phụ huynh đáp ứng được.
Hạnh phúc không cần những định nghĩa to lớn mà là những điều nhỏ nhặt hàng ngày khiến con người cảm thấy nhẹ nhàng. Không thể có tình yêu thương đúng nghĩa khi thiếu sự kết nối giữa con người với nhau. Mà thời gian thì qua nhanh lắm, mới ngày nào đứa con lẫm chẫm tập đi, học nói, đau bệnh… chẳng mấy đã như chim bay ra khỏi tổ, đi đâu làm gì cha mẹ đâu có hay!
Theo phụ nữ TPHCM