Ngay khi vào đại học, con đã biết mình chọn nhầm ngành không hề hợp với sở trường nguyện vọng của mình, thậm chí không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng. Vì tiếc công đã đầu tư và sợ làm lại có nhiều rủi ro nên con đành… học đại.

Bởi vậy, con không có động lực học tập, nửa muốn bỏ ngang để làm lại từ đầu, nửa muốn tiếp tục đeo theo, thành ra như đi lạc trong mơ hồ. Từ một học sinh giỏi hồi phổ thông tụt xuống thành sinh viên học kém, con chán nản, ảnh hưởng tới quan hệ tình cảm bạn bè, tình cảm yêu đương.

Con bối rối quá…

Một nữ sinh viên 19 tuổi

(quận 7, TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Có việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo là mơ ước của hầu hết sinh viên khi ra trường và ngay cả với các em đang ngồi trên ghế giảng đường đại học.

Nhiều chuyên gia cho rằng sai lầm trong lựa chọn ngành học của thí sinh khi ghi danh hồ sơ thi đại học có thể gây ra những hệ lụy sau khi tốt nghiệp như: thất nghiệp, làm trái nghề, ra trường phải đào tạo lại, không phát triển được bản thân, lãng phí thời gian/công sức/tiền bạc/thanh xuân, không cảm thấy hạnh phúc…

Chọn nghề cũng quan trọng như chọn bạn đời. Các cụ ngày xưa gọi “tiểu đăng khoa” là lấy vợ và “đại đăng khoa” để chỉ việc thi đỗ làm quan.

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, tại TPHCM, mỗi năm có khoảng 80% sinh viên/học viên tìm được việc làm, 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được.

Trong tổng số tìm được việc chỉ có 50% lao động có việc làm phù hợp với năng lực, sở thích. Một trong những lý do dẫn đến vấn đề này là phần lớn sinh viên/học viên chưa được định hướng đúng về nghề nghiệp, việc làm, chọn ngành học chưa phù hợp với năng lực, sở trường và xu thế phát triển của thị trường lao động.

Có khá nhiều học sinh thiếu hiểu biết về ngành nghề mình chọn để thi đại học nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc học và việc làm sau này. Cụ thể, tỉ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ 5% có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về ngành chọn học.

Nhiều bạn cho rằng “chỉ cần đậu đại học”, “học theo định hướng của cha mẹ”, “theo nghề của bác cho dễ xin việc”, “do bạn bè rủ rê”, “chọn ngành đang thịnh”, “nối gót anh chị”… thế là ghi danh theo học, vào rồi mới thấy không hợp nhưng lại sợ thay đổi thì hóa công cốc (không muốn thi lại, ngại chuyển ngành khác, tiếc thời gian và kinh phí đã bỏ ra).

Chính vì tâm lý dùng dằng, các bạn không mấy chú trọng cho mục tiêu học tập. Không phấn đấu, thiếu sự đầu tư, không tạo được dấu ấn trong công việc; có ra trường, đi làm cũng rơi vào trạng thái khủng hoảng, thường xuyên có tên trong danh sách chờ… cắt giảm vì hiệu quả làm việc kém.

Cháu hãy tự đặt câu hỏi với bản thân: Tại sao cháu biết và khẳng định rằng mình đã chọn sai ngành? Vậy ngành đúng với đam mê của cháu lúc này là gì? Nếu không trả lời chắc chắn 2 câu hỏi này, tốt nhất hãy đi theo dòng chảy tự nhiên của nó. Lựa chọn giữa “không thích” và “phải làm” bằng cách tập yêu công việc mình đang làm. Tích lũy thêm kiến thức ở vị trí việc làm mình mong muốn trong tương lai: rèn một số năng lực về công nghệ thông tin, tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm…

Từ đó, xác định chính xác lý do khiến cháu cảm thấy “chọn sai ngành” là do sở trường, tính cách, năng lực hay chỉ là do bản thân thiếu kiên nhẫn, e ngại và né tránh những vấn đề khó khăn trước mắt. Chỉ khi nào chắc chắn về nguyện vọng của mình thì mới chuyển sang ngành học phù hợp, tránh tình trạng bồng bột, chọn sai đến 2 lần.

Cháu hãy nhớ: chọn nghề, rồi mới chọn ngành chọn trường. Trường thì học 5 năm, 10 năm còn ngành nghề thì làm cả đời.

Theo phụ nữ TPHCM