Chị Hạnh Dung kính mến,

Vợ chồng tôi sống với nhau đã được hơn 20 năm. Chúng tôi có 2 con đều đi du học. Nói thật, tôi làm ra tiền nhiều vì từ cách đây mười mấy năm đã bỏ làm nhà nước, ra ngoài kinh doanh. Chồng thì vẫn làm trong nhà nước, lương ba cọc ba đồng.

Lúc tôi bỏ nhà nước ra ngoài làm, vợ chồng cũng cãi nhau dữ lắm, vì anh không chấp nhận được "con buôn", anh gọi việc kinh doanh của tôi như vậy. Nhưng tôi cương quyết vì thấy sống bằng lương như thế, cả nhà không bao giờ đổi đời được.

Nhờ sự nhanh nhẹn, tháo vát, lại có chút nhan sắc, tôi làm ăn lên nhanh, mua nhà cửa, mua xe hơi, cho con đi học nước ngoài. Có thời gian tôi cũng phải đi ăn nhậu, cũng phải giao tiếp với đàn ông. Một lần, chồng tôi tình cờ nhìn thấy tôi cùng một người đàn ông là đối tác kinh doanh bước ra từ một khách sạn. Nhưng thật ra là chúng tôi đi nhà hàng ở trong khách sạn đó. Anh nhìn thấy, không nói gì, chỉ phóng xe đi.

Về nhà, tôi ra sức thanh minh, nhưng anh lầm lì không nói gì hết. Từ bữa đó, anh cương quyết không quan hệ vợ chồng với tôi. Ngay sau khi các con đi du học, anh bắt đầu tách ra, sống cuộc sống riêng của mình, ăn chay và ngồi thiền.

Chúng tôi ai sống phòng nấy, chỉ trò chuyện với nhau những gì tối thiểu cần thiết. Nhiều lúc không chịu nổi, tôi yêu cầu anh ly hôn, nhưng anh chỉ lầm lì không trả lời.

Có lần tôi nói rằng tôi không có lỗi gì với anh, tôi chỉ cố gắng kiếm tiền để các con được ăn học bằng người ta, anh đừng cố chấp như vậy. Nhưng anh bảo: hỏi các con xem nó đi học bằng đồng tiền dơ bẩn thì có tương lai hay không?

Anh nói anh ăn chay niệm phật là để hóa giải bớt những điều tôi gây ra, nhân danh chăm lo gia đình, con cái. Giờ đây chúng tôi sống cùng một nhà nhưng còn tệ hơn người dưng nước lã. Tôi không biết nên làm gì. Ly hôn thì sợ các con sẽ thắc mắc lý do. Mà không ly hôn thì tôi không chịu nổi ánh mắt khinh bỉ của chồng. Điều quan trọng là tôi biết tôi không đáng phải chịu sự coi thường đó.

Xin chị Hạnh Dung cho tôi lời khuyên.

Thanh Hoa

leftcenterrightdel
 

Chị Thanh Hoa thân mến,

Người ta bảo "Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn". Trong nhà chị, vợ chồng không thống nhất được ý kiến với nhau, thế nhưng vẫn "nên" kết quả về vật chất tiền của, về việc cho con cái đi học nước ngoài... thì đủ thấy rằng chị giỏi giang đến thế nào.

Vợ giỏi, đôi khi là một áp lực rất lớn với những người chồng có tự ái cao. Nhất là có những khi người vợ không khéo léo, tế nhị, thể hiện sự đắc ý hay làm những việc không cần ý kiến chồng, nói những lời làm tổn thương chồng. Tất cả những điều đó đều có thể chạm đến tự ái đàn ông của anh.

Giữa vợ chồng chị lại còn xảy ra một hiểu lầm có thể gây rạn nứt nghiêm trọng đến như thế, nên việc hàn gắn phải hết sức kiên nhẫn, cần nhiều thời gian.

Điều quan trọng lúc này, theo Hạnh Dung, là chị hãy chấp nhận lui cái tôi của mình xuống một chút, để có thể bước gần lại phía anh, xóa bớt khoảng cách, có cơ hội giải thích, thanh minh, và quan trọng nhất là thể hiện tình yêu thương của chị giành cho anh, cho gia đình.

Những mục tiêu chị mong muốn như kinh tế gia đình tốt và việc du học của các con đã đạt được rồi, thì giờ chị hãy dành nhiều thời gian hơn cho hạnh phúc của chính mình. Đó là sự thông cảm, thấu hiểu của hai vợ chồng. 

Anh không nói đến chuyện ly hôn, có nghĩa là tình cảm anh dành cho chị, cho gia đình vẫn còn. Nhưng tự ái, tổn thương của người đàn ông vẫn còn đó, chị hãy cố gắng chữa lành vết thương đó trong lòng anh.

Vì chị biết mình không làm gì có lỗi, nên có thể thời gian qua chị còn quá cứng nhắc, để cho anh khó quên nỗi đau của giây phút tồi tệ mà anh nhìn thấy chăng?

Không cần phải xuống nước, quỵ lụy, năn nỉ, chị hãy vẫn thể hiện sự đúng đắn, và tự tin của mình vào cách sống, cách cư xử; nhưng cũng nên ngọt ngào, nhẹ nhàng, cho anh có thể mềm lòng lại.

Riêng với việc ăn chay, thiền định của anh, chị cũng đừng nhìn đó như biểu hiện của sự chống trả hay khinh khi gì chị. Thật ra, đây cũng là xu hướng sống của nhiều người, nhất là những người lớn tuổi trong thời đại hiện nay.

Hãy cố gắng bỏ qua những lời cay đắng anh nói, thử nghiên cứu những gì anh thực hành, hỏi han và nhờ anh hướng dẫn, bàn luận cùng anh về những cách thực hành tốt nhất cho sức khỏe...

Cho anh nhìn thấy ở chị sự mong muốn được an và yên sau những năm tháng bôn ba vì kinh tế gia đình. Biết đâu, điều đó khiến anh cảm thấy rằng mình đang lấy lại được vị trí người dẫn dắt, người đứng đầu của gia đình mà dịu lòng lại. Chị cũng nhờ đó mà có thể giúp anh dung hòa với đời sống, không trở nên khắc kỷ và khổ hạnh vì cô đơn.

Chị đã hết sức phấn đấu cho hạnh phúc của gia đình, sự nghiệp của con cái, thì lần này hãy cố gắng thêm một chút, chị nhé. Để có được mọi điều trọn vẹn, đâu phải dễ. Nhưng cố gắng với người thân, gia đình của mình, thì không bao giờ phải hối tiếc đâu chị.

Theo phụ nữ TPHCM