Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng em cưới nhau hơn 10 năm mà vẫn ở nhà thuê. Con lớn 6 tuổi, con nhỏ 3 tuổi, mỗi lần chuyển nhà thuê rất vất vả. Chúng em đã bàn kế hoạch dành tiền mua nhà bao nhiêu năm nay.

Khổ nỗi, vợ chồng để dành được khoản tiền nào, anh chị em bên nhà chồng rồi ba má chồng đều mượn hết, đến nay vẫn chưa trả.

Hồi đầu em còn nói với chồng, tiền mình để dành, mình im lặng đi, đừng khoe với ai; nhưng rồi mỗi lần em có khoản nào gửi tiết kiệm là y như rằng sau đó có người hỏi mượn.

Mấy năm gần đây, em không nói về khoản tiết kiệm nữa. Tiền bạc anh đưa, dành dụm được đồng nào em âm thầm cất riêng. Chồng em thỉnh thoảng cũng hỏi tiền, nhưng em nói dạo này chi phí gia đình tăng nên cũng không còn tiền để dành.

Em cũng nhắc anh hỏi anh chị và ba má lấy lại mấy khoản tiền chúng em đã cho mượn, để lo chuyện nhà. Em không biết chồng có hỏi không, nhưng vẫn chưa thấy ai trả.

2 tháng gần đây, chồng em nói chỉ đưa em một nửa tiền lương thôi, vì anh còn cần chi dùng một số việc. Bao nhiêu tiền đưa cho vợ hết, ra đường phải ngửa tay xin tiền vợ, đến khi cần, hỏi vợ lại không có đồng nào. Em thực sự rất bất bình, nhưng có nói gì anh cũng không thay đổi.

Em nghĩ chắc lại do mấy anh chị em bên nhà chồng nói này nói khác, nhiều khi còn hỏi mượn tiền mà không có, nên mới xúi chồng em giữ tiền riêng. Với số lương hiện tại, chi tiêu cho 2 con, thuê nhà… còn không đủ. Kế hoạch dành dụm tiền mua nhà của em sắp phá sản, em phải làm sao đây?

Ngân Thúy (Kiên Giang)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Ngân Thúy thân mến,

Chuyện tiết kiệm, dành dụm để mua nhà là chuyện của cả vợ lẫn chồng, nên cần thống nhất cách làm. Trong hoàn cảnh gia đình em, cách làm cũ còn chưa thống nhất: vợ cố gắng tiết kiệm, để dành, chồng sẵn lòng đem tiền tiết kiệm cho người thân vay mượn.

Vậy phải sửa chỗ này trước đã. Chưa sửa được cách làm cũ mà đã áp dụng cách mới, lại không có sự đồng thuận vợ chồng, sẽ gặp khó khăn.

Chồng em đang cắt bớt tiền đưa cho vợ hằng tháng. Với số tiền hiện tại, em cần lập kế hoạch chi tiêu, ghi sổ rõ ràng, rồi tìm cách nói chuyện với chồng, trình bày để anh thấy vợ con đã tiết kiệm thế nào, tiền bạc gia đình đang chật vật thế nào. Điều quan trọng là để chồng em thấy em không để dành tiền riêng, không tiêu xài phung phí.

Nhiều chị em sử dụng chiêu “mưa dầm thấm đất”, em cứ nhẹ nhàng từng bước. Khó khăn, thiếu hụt chỗ này chỗ khác cũng là lý do để mình hỏi về khoản tiền để dành mà chồng đã đem cho vay mượn.

Thực tế thì cũng nhờ em quản lý tiền bạc, vén khéo dành dụm, vợ chồng em mới có dư được, khoản tiền đó để đáp ứng cho nhu cầu của gia đình: việc nuôi con ăn học, việc nhà cửa, cha mẹ 2 bên. Nếu cần, em có thể nhờ chồng nộp giúp tiền học phí của con, trả tiền điện, tiền nước… Đó cũng là cách để anh ấy chia sẻ với khó khăn kinh tế của gia đình.

Kế hoạch mua nhà là rất tốt. Nên dùng ngôi nhà mơ ước đó làm mục tiêu lớn để vợ chồng tìm được tiếng nói chung. Những khoản tiền đã cho vay mượn, em cũng ghi vào sổ, cứ coi như mình đã dành dụm được.

Vợ chồng em nên xác định một ngôi nhà, căn hộ cụ thể, số tiền cụ thể; từ đó tính toán xem đã dành được bao nhiêu, thiếu bao nhiêu, khoản nào vay mượn người thân, bạn bè, khoản nào vay ngân hàng.

Khi có bảng tính cụ thể, kế hoạch cụ thể, em sẽ dễ dàng đề nghị chồng hỏi anh chị em để lấy lại tiền. Các ông chồng hay ca thán chuyện bị vợ quản chặt tiền, nhưng thực tế trong những gia đình mà vợ quản lý kinh tế chặt chẽ, về cơ bản là kinh tế gia đình ổn định, vững chắc.

Em đang làm đúng, không cần phải nóng vội cãi vã to tiếng, cứ từng bước một mà làm. Chúc em thu xếp, quản lý tốt các nguồn lực của gia đình.

Theo phụ nữ TPHCM