Chị Hạnh Dung kính mến,
Em 38 tuổi mới lấy chồng. Chúng em quen nhau lúc em bán cà phê ngay cổng công ty anh. Anh 40 tuổi, là sếp, đã ly hôn và có 2 đứa con riêng. Trước khi gặp anh, em không tính có chồng, nhưng anh quá tử tế. Hơn nữa, em thuộc giới bình dân, anh là trí thức mà yêu và muốn cưới em, nên em tin rằng anh chân thành.
Tụi em sống với nhau rất ổn. Vợ cũ và con riêng của anh cũng rất tốt nên không ảnh hưởng mấy đời sống của vợ chồng em. Duy chỉ có một việc làm em rất khó chịu là anh rất chăm đem tiền về cho mẹ.
Mẹ làm nhà, anh chia trách nhiệm với các anh em (anh là con thứ) xong còn gánh luôn những phát sinh do mong muốn của mẹ. Mẹ anh thì mặc định là con trai phải lo cho mình, nên ngày nào bà cũng gọi kêu mua sắm gì đó. Quan điểm của chồng em là không cãi mẹ, nên tất cả mong muốn của mẹ, anh đều chiều.
Em được vợ cũ của anh cho biết, chị ly hôn với anh phần lớn cũng vì điều này. Theo chị, nhà chồng luôn ỷ y anh kiếm tiền giỏi nên trăm thứ đổ lên đầu anh. Anh thì mù quáng nên luôn đáp ứng. Chị không chấp nhận, dần trở thành xung đột lớn, dẫn đến nhiều xung đột khác nên không thể sống chung được nữa.
Em nghe vậy cũng hơi hoang mang. Mới đây, mẹ chồng em gọi, nói: “Con út sắp làm nhà, má muốn cho nó 200 triệu đồng mà không có tiền". Vậy là anh răm rắp chuẩn bị 200 triệu đồng để má cho cô út. Em khá… nóng mặt. Vợ chồng mới cưới nhau nên em cũng ngại đụng chạm vấn đề tiền bạc, mẹ chồng. Nhưng hoài như vậy, có khi nào em cũng đi vào vết xe đổ cuộc hôn nhân cũ của anh?
Tuyết Vân (TPHCM)
|
Ảnh minh họa |
Tuyết Vân mến,
Cùng một sự việc, nhưng tùy vào cách hành xử và cách nhìn của từng người sẽ tạo ra những kết quả khác nhau. Em có thể rút kinh nghiệm từ câu chuyện của người vợ cũ để không phải lo việc “đi vào vết xe đổ" của chị ấy.
Trước hết, cần xem xét việc đem tiền về cho mẹ có ảnh hưởng đến các kế hoạch tài chính của vợ chồng em hay không. Kế hoạch tài chính bao gồm chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày, khoản tiết kiệm cho tương lai, cho con cái.
Mỗi tháng, vợ và chồng cần đóng góp bao nhiêu cho gia đình để đảm bảo kế hoạch này - đây là điều em cần thống nhất với chồng để có một kế hoạch chi tiêu hợp lý. Có được kế hoạch này, cả em và chồng đều có sự an tâm. Bản thân em cũng tránh được những lo lắng, hoang mang mơ hồ về cách chi tiêu (bao gồm việc cho, tặng gia đình chồng).
Tiếp theo là việc chồng em hay đem tiền về cho mẹ. Nếu việc này ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu của gia đình em, em nên trao đổi với chồng để cân đối lại. Hãy trao đổi dựa trên tinh thần xây dựng và vì tương lai của gia đình thay vì nhận xét cách anh chiều mẹ.
Ngược lại, nếu những khoản tiền anh mang về cho mẹ không ảnh hưởng gì, em hãy xem đó là việc riêng của anh và nên tôn trọng. Trên tinh thần tôn trọng, em có thể dần quan sát, trò chuyện cùng chồng để hiểu thêm về sự chiều chuộng đặc biệt của anh với mẹ.
Có thể, bên trong anh là những ký ức, những nỗi sợ hoặc những tổn thương nào đó đã thôi thúc anh chiều chuộng mẹ nhiều hơn mức bình thường. Khi hiểu được điều đó, em có thể giải tỏa được những vướng mắc trong lòng mình và biết đâu còn có thể hóa giải giúp chồng những vướng víu không cần thiết, từ đó anh sẽ tự điều chỉnh những việc cần điều chỉnh.
Hạnh Dung cho rằng, việc chiều mẹ thì không có đúng hay sai, chỉ có “phù hợp" hay “không phù hợp” với hoàn cảnh và vai trò của anh với từng mối quan hệ. Vậy nên, em cứ thong thả tìm hiểu, cũng là để hiểu chồng và những mối quan hệ hệ trọng với chồng.
Theo phụ nữ TPHCM