Chị Hạnh Dung thân mến,

Em và chồng đã xảy ra những khủng hoảng không đáng có do sự thiếu chia sẻ. Hành động không quan tâm đến gia đình của em khiến anh bị mất sự tôn trọng, mất niềm tin ở em nhiều. Căng thẳng khiến em tự đẩy mọi thứ đi xa. Hiện tại em muốn khắc phục nhưng không biết phải làm thế nào.

Bây giờ em có cảm giác anh mất niềm tin ở em hoàn toàn. Anh luôn khẳng định là không còn tình cảm với em nữa, không muốn ràng buộc hôn nhân nữa. Em đã liên tục xin lỗi, nhận sai và mong anh tha thứ, nhưng anh vẫn nói đã kiên quyết.

Hiện tại anh lại đang đi xuất khẩu lao động và bên đây chỉ có con và gia đình anh. Anh nhất quyết đòi về Việt Nam để li dị. Anh đã chặn liên lạc với em. Em biết mình sai và hiện đang rất muốn hàn gắn cuộc hôn nhân này. Em phải làm sao để nói chuyện với anh, và nói những chuyện gì để anh có thể mở lòng cho em một cơ hội hàn gắn ạ?

Nguyễn Thị Thanh Thủy

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Thanh Thủy thân mến,

Trong câu chuyện của em có một thực tế đáng buồn. Em viết rằng chồng em đang đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), có nghĩa là vợ chồng đang xa nhau, và cũng có nghĩa là những khủng hoảng gia đình bắt đầu trong thời kỳ xa cách. Có lẽ khi lựa chọn con đường XKLĐ các em đã phải đắn đo rất nhiều và chấp nhận những hy sinh để gia đình có được điều kiện kinh tế tốt hơn. 

Thế nhưng sự xa cách với mục đích tốt đẹp đó cuối cùng lại gây nên những rạn nứt đáng buồn. Đó là khi người ta không đủ thông cảm, hiểu biết, chia sẻ. Khi người ta chênh lệch nhau về thời gian cũng như không gian sống. Khi người ta không biết xóa đi những khoảng cách. Khi người ta để xảy ra những hiểu lầm mà không kịp thời giải thích, hoặc không cho nhau cơ hội thanh minh...

Đọc thư em, Hạnh Dung có một điều suy nghĩ: Nếu chồng em là người phũ phàng, tệ bạc thì việc cương quyết ly hôn, chặn số liên lạc, chỉ nhìn mặt nhau ở tòa là điều cũng... dễ hiểu. Nhưng theo lời em nói thì dường như lỗi là ở em tất cả, chính em đã làm mất đi lòng tin, mất đi sự tôn trọng... thì có nghĩa là em đã làm những gì nặng nề đến mức chồng em không chỉ muốn chia tay, ly hôn với em mà còn phải chặn số liên lạc của em. Bởi nếu muốn ly hôn, thì vợ chồng cũng cần phải có những thỏa thuận, trao đổi, tối thiểu là về con cái, về tài sản? 

Em hỏi Hạnh Dung cách để nói chuyện, kết nối với chồng, trong khi chồng đang chặn em, nghĩa là anh ấy đang giận, đang mệt mỏi... vì những gì em đã làm, thậm chí chán ngán cả những lời xin lỗi, thanh minh... mà em liên tục nói với anh ấy.

Hãy cho anh ấy khoảng thời gian yên lặng, bình tâm đi em. Và cả em, cũng cho mình khoảng thời gian lắng lại, suy nghĩ, tỉnh táo nhìn lại vấn đề của hai người. Sau một khoảng thời gian như vậy, người ta sẽ cảm thấy có nhiều điều để nói với nhau hơn, hay là muốn lắng nghe nhau hơn đấy, em ạ. 

Anh ấy đang có dự định về Việt Nam, em thấy hoảng sợ vì anh ấy nói về để làm thủ tục ly hôn. Nhưng trong cái dở, cũng có cái hay, là chắc chắn hai người sẽ phải gặp nhau. Đối mặt trực tiếp để trò chuyện, để nhìn vào mắt nhau và thể hiện sự chân thành của mình, là một cơ hội tốt cho sự hàn gắn gia đình.

Trong khoảng thời gian chờ đợi và im lặng này, em hãy cố gắng làm những gì mà một người chồng mong muốn vợ mình làm khi phải đi xa làm ăn: chăm sóc con cái, chăm sóc gia đình. Hãy làm sao để cả những người nhà cũng nhận ra sự thay đổi của em, tạo nên không khí gia đình tốt khi anh ấy về.

Khi gặp anh ấy, hãy cố gắng nói và thể hiển sự thay đổi của mình, xin anh ấy một thời gian để sửa chữa mọi việc. Đừng quanh co, đổ lỗi, bào chữa nhiều. Hãy chỉ thể hiện rằng mình thật sự yêu thương, cần và muốn giữ gìn gia đình.

Hạnh Dung không biết cụ thể điều gì đã khiến chồng em kiên quyết ly hôn em như vậy. Nhưng cứ cho rằng còn nước thì hãy cứ cố tát. Trường hợp không thể lay chuyển được chồng, em hãy chấp nhận mọi chuyện một cách can đảm, đàng hoàng và tự trọng, để có thể giữ gìn được sự tôn trọng cuối cùng của chồng dành cho mình. Biết đâu, về lâu dài, đó cũng là một cơ hội, nếu em thành tâm.

Theo phụ nữ TPHCM