Cuối tuần trước tôi nhắn tin vào nhóm Zalo gia đình rủ cả nhà đi chơi vì đám trẻ đã được nghỉ hè. Trong khi vợ chồng cô Út hào hứng đồng ý, đăng ký làm bánh nấu chè, mua món này, chịu chi phí khoản kia... thì em Ba thả vào một câu quen thuộc: “Thôi, chồng em không cho đi đâu.”
Tôi bực bội nhắn lại: “Thế thì ở nhà!”
|
Em rể chỉ muốn ở trong nhà (ảnh minh họa) |
Mẹ gọi cho tôi, bà hỏi có cách nào khuyên bảo em Ba không, lúc nào nó cũng sợ chồng. Sinh nhật bố mẹ, tôi là anh lớn nên hô hào vợ chồng hai cô cho con về vui với ông bà. Và câu trả lời của em Ba luôn là "chồng em không cho đâu".
Những chuyện lớn như mua nhà tậu xe thì vợ chồng cùng bàn bạc trước khi quyết định thì không nói làm gì. Đây là chuyện đi 15 cây số về chơi với cha mẹ, sao lại không cho, không cho với lý do gì?
Nếu em rể bận, em rể không yên tâm để vợ con chạy xe thì chúng tôi qua đón hoặc bắt Grab, taxi. Nhưng em Ba trả lời: “Ảnh nói ra ngoài không an toàn, ở nhà vẫn là tốt nhất.”
Hồi vợ chồng em Ba chọn trường cho con. Tôi nói vợ chồng bận bịu thì cho con học chung với trường con gái tôi, chúng tôi sẽ đón giùm, em Ba nói "chồng em không cho". Con đi học thêm, đi dã ngoại với trường hay tham gia đội cầu lông, cờ vua... cứ em rể không cho là em gái tôi đành chịu.
Em gái tôi không phải người kém cỏi. Em đang có công việc với thu nhập khá tốt, nhưng không hiểu sao trong nhà em lại thành cái bóng kiểu “gọi dạ bảo vâng lễ phép ngoan nhất nhà”. Thi thoảng anh em ngồi nói chuyện, em Ba mới he hé than chồng em khó tính lắm: “Làm gì không vừa ý là ổng nhăn cả tuần, mắc mệt. Nên em kệ ổng tự quyết. Nói cho cùng thì ổng cũng vì vợ con”.
Em Út không đồng ý: “Đành rằng anh rể thương vợ con, nhưng tình thương đó quá ích kỷ!".
Nói ra mới biết em rể thương con bằng cách giữ con trong nhà, con bé có năng khiếu cờ vua nhưng vì bố không cho nên con bé không được tham gia câu lạc bộ. Lớn hơn một tí, con bé thích cầu lông nhưng em rể nói môn đó phơi nắng phơi gió và không cho con tham gia. Ngoài giờ học, con bé chỉ biết đọc sách, chơi đồ chơi. Có những lần em rể hứa cho vợ con đi chơi đâu đó nhưng phút cuối em lại "hủy kèo" vì nắng, mưa, vì ngày lễ đông đúc chen lấn...
Em Út hùng hồn: “Tình thương đó không biết mang bao nhiêu phần thương, nhưng chắc chắn là làm con gái mất đi mười phần cơ hội. Mai mốt con bé ra đời chẳng lẽ bố mẹ cứ phải kè kè sau lưng nhắc khéo bẩn quần áo, khéo ăn rơi vãi, khéo ngã…?”
Hôm qua tôi gọi cho em rể, rủ đi cà phê, dù gì đàn ông nói chuyện với nhau cũng dễ hơn. Tôi hỏi: "Vợ chồng bận bịu hay sao mà không thu xếp đi chơi với gia đình?". Em rể nói em không thích mấy nơi ồn ào, chưa kể con nít ra ngoài là ham chơi người lớn không quản lý được rồi về lại bệnh.
Tôi bèn lấy quyền làm anh để giảng: “Thương vợ con nhưng nên thương cho đúng. Nên cho đám trẻ ra ngoài phơi nắng hít thở không khí. Cứ nhìn lớp bé Mèo xem, bé Mèo gầy nhỏ nhất lớp, lúc nào cũng rụt rè đã vậy còn hay bệnh. Nhớ lại tuổi thơ của anh em mình đi, có trò nghịch phá nào mà không biết?”.
Em rể ngẩn người rồi cười, hẳn cậu ấy đang nhớ lại một thời đầu trần chân đất của mình.
|
Nên cho đám nhỏ ra ngoài phơi nắng hít thở không khí (ảnh minh hoạ) |
Tôi đang nấu cơm thì vợ reo lên rồi đưa điện thoại lại cho tôi nhìn. Trong nhóm chat gia đình, em Ba vừa gửi tin nhắn: “Cuối tuần này cho nhà em tham gia với. Em sẽ nấu xôi, làm chà bông gà mang theo nhé!”
Tin nhắn của em Ba được mọi người thả tim khí thế. Hẳn buổi nói chuyện chiều qua đã “đánh thức” những ký ức, kỷ niệm của em rể. Tôi mỉm cười khi nhìn những trái tim đỏ xinh xắn không ngừng bay lên.
Theo phụ nữ TPHCM