Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi và chồng kết hôn đã được 15 năm. Gia đình chúng tôi hạnh phúc và êm ấm. Chồng tôi là trưởng khoa của một bệnh viện lớn. Tôi cũng dạy đại học và cũng đã có bằng thạc sĩ. Con trai chúng tôi ngoan và học giỏi. Chúng tôi có 1 căn nhà 3 tầng, xe hơi và căn hộ cho thuê ở 1 chung cư cao cấp. 

Tôi kể ra để chị hiểu rằng vợ chồng tôi có cuộc sống viên mãn, dù tuổi cũng còn trẻ. Nhiều bạn bè, người thân ganh tỵ với chúng tôi. Nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng chúng tôi xứng đáng với những điều như vậy.

Từ trước khi cưới, chúng tôi đã luôn đồng vợ đồng chồng, cùng góp sức và hỗ trợ nhau phấn đấu, cùng chung tay gầy dựng nên cơ nghiệp, chứ cha mẹ hai bên đều có mức sống trung bình, không giúp chúng tôi về vật chất được là bao.

Ấy thế mà đột nhiên, tôi phát hiện ra chồng tôi đã cho một phụ nữ mượn tiền để mở quán cà phê. Cô ta là người yêu cũ, thậm chí từng được coi là thanh mai trúc mã của chồng tôi từ thời học trò cấp III đến hết 2 năm đại học. Vì hoàn cảnh chênh lệch nhau, cha mẹ hai bên cấm cản, nên họ phải chia tay, mà người nghe lời gia đình quyết dứt là chồng tôi.

Tôi biết chồng tôi phải vay mượn số tiền đó chứ xưa giờ anh không có quỹ đen. Một trong những người bạn cho anh mượn tiền kể với tôi rằng anh đã nài xin mọi người nhiều lắm, vì ai cũng nói anh làm chuyện ngu ngốc.

Trong khi tôi biết chồng rất ghét vay mượn. Kể cả khi trong nhà có chuyện cấp bách, anh cũng không muốn vay tiền ai. Vậy mà vì người phụ nữ này, anh lại còn đi năn nỉ bạn bè để mượn tiền.

Bây giờ trong lòng tôi rối ren và phân vân lắm. Có phải chồng tôi vẫn còn vấn vương tiếc nuối người cũ? Tôi nên làm gì? Tra hỏi chồng? Tới gặp người phụ nữ đó cảnh cáo cô ta và yêu cầu cô ta trả tiền? Hay âm thầm theo dõi xem mọi chuyện sẽ như thế nào?

Lý Thị Hạnh Mai

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Hạnh Mai thân mến,

Phụ nữ chúng ta, mà không, kể cả đàn ông nữa, khi biết vợ hay chồng mình đưa tiền cho người ngoài, dù chỉ là vay mượn, mà không hỏi ý kiến mình, thì đều thấy khó chịu, bực bội. Nhưng điều tệ hại nhất là cảm giác bị qua mặt, bị coi thường và lòng tin vào nhau bị lung lay.

Điều quan trọng nhất vào những lúc này là hãy giữ sự bình tĩnh, tự tin, kiểm điểm lại những gì mình đã có: là niềm vui, là sự bình an, là ấm cúng của gia đình được vun đắp nhiều năm bởi cả hai người. Và trước tiên là phải khẳng định được một điều: mình tin vào hạnh phúc của mình, còn những gì đang xảy ra, chắc phải có một lý do nào đó, có thể là chồng khó nói ra, thì mình sẽ là người hóa giải được điều đó.

Hãy trò chuyện với chồng bằng sự bình tĩnh, tử tế, sẵn sàng chia sẻ, để xem vì lý do nào mà chồng bắt buộc phải giúp đỡ người bạn gái cũ? Tình hình kinh tế, hay cuộc sống của cô ấy có phải đang lâm vào những hoàn cảnh mà một người - với tư cách là bạn cũ - không thể nhắm mắt làm ngơ được hay không?

Điều quan trọng chị cần phải nói với chồng là giờ đây hai người đã là một gia đình, chuyện tiền bạc là một trong những vấn đề hết sức quan trọng cần có sự chia sẻ và thống nhất với nhau. Dù khó nói, khó xử bao nhiêu cũng cần phải được bàn bạc và chọn một cách khiến cả hai cùng thấy thỏa đáng. Bởi vì đó chính là sự tôn trọng nhau và tôn trọng gia đình.

Giấu giếm nhau là điều tối kỵ, vì nó sẽ phá hoại niềm tin trong gia đình. Trong trường hợp anh không có tiền riêng, đi vay mượn mà lại giấu chị, thì hậu quả có thể còn tệ hơn, trước tiên là cho anh và sau đó là cho gia đình.

Từ đó, chị và chồng nên bàn bạc nhau cách xử lý vấn đề hôm nay, thí dụ chị cần được nghe anh giải thích lý do anh cho mượn tiền, thời hạn và cách thức trả tiền của người mượn, các phương án dự phòng của anh trả nợ nếu người mượn chậm trả... Hãy xử lý vấn đề một cách rành mạch, rõ ràng và lý trí. 

Cách trò chuyện bình tĩnh, hiểu biết, thuyết phục của chị sẽ giúp giải tỏa mọi vấn đề khó xử, khó chịu này, chị nhé!

Theo phụ nữ TPHCM