Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng em cưới nhau được 5 năm, đã có một bé trai 2 tuổi. Chồng em là nhân viên ngân hàng. Lúc cưới nhau, bạn bè nói em may mắn vì lấy chồng thành phố, lại có nhà riêng, công việc ổn định.
Chồng em có nhiều ưu điểm: cẩn thận, không mê rượu chè, không gái gú. Lúc công việc không quá bận, anh cũng chia sẻ việc nhà với vợ, cư xử với bên nhà ngoại cũng chu đáo. Anh không giỏi kiếm tiền nhưng cũng không tiêu xài hoang phí, cuộc sống gia đình cũng khá ổn định.
Chồng chỉ có một tật xấu, rất xấu, đó là hay đổ lỗi cho người khác, không bao giờ nhận mình làm sai, làm dở.
Lần đầu em nhận ra điều này là từ chính đám cưới của mình. Ngày tổ chức tiệc, trời mưa lớn, khách vắng nhiều, dư bàn, tiền mừng sau khi thu về không đủ bù tiền tiệc.
Em nghĩ đám cưới là việc lớn, tiền bạc thiếu hụt một chút không là gì, nhưng anh đổ lỗi tại chị Hai chọn nhà hàng xa, đặt bàn mắc tiền, rồi nói tại danh sách khách mời (của ba má) toàn các ông bà già, nên mưa chút người ta cũng không đi.
Em rất sốc vì cách nói chuyện của anh, nhất là khi em thấy mọi người trong nhà ai cũng cố gắng chung tay vô tổ chức đám cưới.
Càng sống với nhau lâu, em càng thấy, bất kỳ chuyện gì không suôn sẻ anh sẽ tìm ra ngay người có lỗi, đương nhiên không phải anh.
Bản thân em có lỗi khi con đi mẫu giáo bị cảm, sốt (dù vợ chồng cùng chọn trường mẫu giáo cho con), em có lỗi khi không thu xếp được công việc để ở nhà chăm lo con bệnh, em có lỗi khi xe hư giữa đường, em có lỗi khi cuối năm không được thưởng cao như người ta…
Mới đây anh khám sức khỏe, phát hiện bệnh tiểu đường, huyết áp. Bác sĩ nói phải thay đổi lối sống, chế độ ăn uống. Vậy là anh đổ lỗi tại em lo bữa ăn gia đình không đúng cách nên anh mới bị bệnh.
Em giận và buồn lắm. Từ khi lấy chồng, một tay em phải lo việc nhà, việc công ty, cuối tuần túi bụi mua sắm thực phẩm, nấu nướng cho cả nhà. Nay người ta đổ tại mình mà người ta bệnh. Em nói sống với em sinh bệnh thì chia tay, anh đi đâu sống khỏe hơn thì đi.
Mấy nay em không nấu cơm, chồng em về ăn cơm bên nhà nội, không khí gia đình nặng nề, căng thẳng lắm.
Bích Thủy (TPHCM)
Em Bích Thủy thân mến,
Đổ lỗi là cách dễ dàng nhất để giải phóng những khó chịu trong lòng, khi việc không như ý. Không chỉ riêng chồng em mà nhiều người cũng hay chọn cách này để tự giải phóng.
Mặt khác, đây cũng là tính cách được hình thành không phải ngày một ngày hai. Có thể trước khi trở thành người chủ gia đình, chồng em cũng đã có tính này, nhưng lúc đó chưa thể hiện rõ, vì anh ấy chưa phải chịu trách nhiệm.
Lập gia đình, các trách nhiệm nhiều hơn, rõ ràng hơn, khi xảy ra sự cố, người ta dễ bị căng thẳng hơn; do đó em sẽ thấy bệnh “đổ lỗi” xảy ra nhiều hơn, nặng hơn.
Rõ ràng, đổ thừa là tật xấu và là một tật khó sửa. Vậy mình cũng đừng cố sửa nó ngay lập tức. Mặt khác, tới lúc tìm người để đổ lỗi thì thường việc cũng đã xảy ra rồi, có đỏ mặt tía tai tranh cãi xem lỗi tại ai cũng không thay đổi được gì mấy nữa.
Đã biết tính chồng hay đổ lỗi, mình nên tính trước và cũng nên chấp nhận mặc kệ việc đổ lỗi đó đi, cứ coi như đó là một “tật” riêng, đừng quá bận tâm vào nội dung nữa. Nhiều bà vợ ăn miếng trả miếng, chỉ tổ ồn nhà, ôm cục tức vô người, mệt thêm.
Lúc nào đó chồng đã bình tĩnh, hết cơn đổ lỗi, em nhẹ nhàng phân tích cho anh thấy. Về lâu về dài, tật này có thể đỡ bớt. Nhân vô thập toàn, chồng chỉ có một tật xấu này thôi, nghĩ cho cùng cũng không đến nỗi phải chia tay, ly tán.
Riêng chuyện bệnh, đây cũng là dịp để mình điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt của cả nhà. Mục tiêu là cải thiện sức khỏe, chữa bệnh cho chồng, nâng cao sức khỏe của cả nhà. Chúc em biết nhu biết cương, giữ được hòa khí gia đình.
Theo phụ nữ TPHCM