Cái gì cũ cũng thường gây nhiều tiếc nuối. Nhưng riêng chồng cũ đôi khi chỉ khiến người ta hoảng sợ, ám ảnh và chỉ muốn bỏ chạy càng xa càng tốt. Nhưng khổ nỗi, vì nhiều lý do, đặc biệt là vì con cái, mà chị em phụ nữ cứ mãi vướng mắc với những ông chồng cũ tệ hại mà không làm sao thoát ra được.
Cô em họ tôi, thành đạt, xinh đẹp, nhưng hậu ly hôn đã 6 năm, cô vẫn không dám yêu ai vì hoàn toàn mất hết lòng tin vào đàn ông, sau cuộc hôn nhân đầy cay đắng.
Chồng cũ của cô là mối tình đầu. Họ yêu nhau ròng rã 8 năm, trong đó hết 4 năm yêu xa, kết hôn thêm 6 năm nữa, trước khi anh chồng có người khác và kiên quyết đòi ly hôn.
Đã ngoại tình và bỏ rơi vợ, anh ta lại còn giành nuôi cậu con trai duy nhất. Cô em tôi cố hết sức đấu tranh nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc, vì cả tiền và quyền đều không mạnh bằng chồng cũ. Hơn nữa, thấy con đau khổ giữa cuộc chiến của bố và mẹ nên cô đành buông tay. Giành được con rồi, anh ta cũng không cho vợ cũ gặp con, với lý do sợ con bị cô ảnh hưởng mà trở thành người yếu đuối như cô.
|
Cô em họ tôi phải gặp con trai trong lén lút, vì bị chồng cũ ngăn cấm (ảnh minh họa) |
“Mỗi lần muốn gặp thằng bé, em phải lén lên trường, con cũng phải nói dối ba là đi học thêm. Cũng may có cô giáo và bà nội của con làm “tay trong” hỗ trợ, nếu không, có khi cả năm trời em cũng không gặp được con. Em cũng thử nhiều cách thưa kiện, nhưng chẳng đến đâu. Con mình rứt ruột đẻ ra mà giờ như vậy” - em tôi khóc trong một lần tâm sự.
Trái ngược với những ông chồng cũ cố tình tách con khỏi mẹ như một cách trả thù người từng đầu gối tay ấp với mình, lại có những ông chồng cũ xem núm ruột của mình như vô hình. Chồng cũ của đồng nghiệp tôi, kể từ khi ky hôn, anh ta “khoán trắng” 2 cậu con trai sinh đôi cho vợ cũ và thực hành “3 không": không chu cấp, không thăm nom, không thăm hỏi.
Trong khi vợ cũ một mình chật vật nuôi 2 con giữa Sài Gòn, anh ta thảnh thơi mua nhà, tậu xe, cưới cô vợ trẻ hơn chục tuổi. Thời gian đầu, 2 cậu con trai nhớ bố, hay vòi mẹ gọi cho bố, bạn tôi đành bấm bụng liên hệ chồng cũ, nhưng anh ta không bao giờ bắt máy, tin nhắn cũng không trả lời. Lâu dần, lũ trẻ cũng quen, không hỏi han đến người cha tồi ấy nữa.
|
Nhiều phụ nữ một mình chật vật nuôi con vì chồng cũ không đoái hoài (ảnh minh họa) |
“Tôi và anh ta là bạn thời đại học, ra trường làm cùng ngành, nên thỉnh thoảng vẫn gặp nhau ở các buổi họp lớp hay sự kiện ngành. Lần nào gặp, anh ta cũng thản nhiên như chưa từng có liên hệ, con học lớp mấy cũng không biết, khỏe mạnh hay đau bệnh cũng chẳng màng… Thôi thì con mình đẻ mình nuôi, coi như mình đi… xin giống ấy mà” - cô đồng nghiệp của tôi tếu táo.
Nhưng cả 2 trường hợp trên vẫn chưa kinh hoàng bằng những ông chồng cũ, dù đã ly hôn, vẫn bạo hành, ghen tuông, không cho vợ cũ bắt đầu cuộc sống mới hay tìm tình yêu mới.
Họ có thể chặn đường đánh đập hoặc tìm đến tận nhà để đánh vợ ngay trước mặt con, thậm chí bắt cóc con để uy hiếp vợ. Để trốn thoát những ông chồng cũ kiểu này, các cô vợ bất hạnh đôi khi phải bỏ xứ đi làm ăn xa, chấp nhận xa con, xa gia đình, để chỉ mong đổi lấy chút bình yên.
Một cô bạn của tôi, thậm chí đã phải gửi con cho ngoại, khăn gói sang Anh đi học, rồi ráng kiếm việc làm, ráng kiếm một ông chồng để có quốc tịch mà đưa con sang.
Nhờ trời thương, tuy vất vả xứ người nhưng cuối cùng, mọi thứ cũng như dự định. “Tầm 3 năm nữa mình có thể đón 2 đứa nhỏ sang và hoàn toàn thoát khỏi ba chúng nó. Mình cày ngày cày đêm chỉ mong đến ngày đó thật nhanh” - cô bạn tôi chia sẻ.
Chuyện về những ông chồng cũ thật muôn hình vạn trạng, có kể bao nhiêu cũng không hết. Chia tay và tan vỡ vốn dĩ đã để lại nỗi đau cho cả 2 người và những đứa trẻ, sao không thể tử tế với nhau, tử tế với con mình để chữa lành tổn thương, thay vì càng khoét sâu thêm bằng những hành động cạn tình cạn nghĩa?
Theo phụ nữ TPHCM