|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Cuối tuần, con gái từ quê nội xa xôi gửi cho tôi những bức ảnh cả nhà sum họp trong ngày giỗ ông cố của con. Tôi nhìn ngắm những gương mặt thân quen, không sót một ai, và mỉm cười khi xem đến hình ảnh đùa nghịch lấm lem của các con. Các con ở đây, một bé là con tôi với chồng cũ và một bé là con của chồng cũ với người vợ mới.
Người vợ mới của anh tên Hường và chỉ lát sau Hường cũng gửi hình hai con cho tôi kèm lời bình dí dỏm nhẹ nhàng.
Tôi đáp lại, ngợi khen hai người mẫu nhí. Có một bức ảnh mọi người cùng mặc đồng phục đỏ rất xinh, Hường đã tinh tế chỉ gửi riêng cho tôi chứ không đưa lên Facebook.
Tôi không ngờ mình đã có nụ cười hôm nay. Thực ra, tấm ảnh là mảng ghép những ngổn ngang, đau đớn của một cuộc hôn nhân đổ nát mà giờ đây được thay bằng nụ cười tươi của cả nhà và cả người nhìn ngắm từ xa là tôi. Nơi Hường ngồi trong bức ảnh ấy từng là chỗ của tôi. Cả vòng tay ôm, ánh mắt âu yếm ấy từ ông xã cũng từng là… của tôi.
Năm năm trước, ngày chồng cũ đi bước nữa cũng là ngày cõi lòng của tôi tan nát. Vậy là đã không có câu “gương vỡ lại lành” như sâu thẳm trong lòng tôi vẫn mong. Hường không phải là “làn gió lạ” thổi qua cuộc hôn nhân bền chặt mười năm của vợ chồng tôi, không phải là người đã phá nát mái ấm gia đình tôi. Hường là người giữ xe cho chung cư nơi chồng cũ ở, hai người quen nhau, cưới nhau hai năm sau khi vợ chồng tôi ly hôn.
Tôi và chồng cũ tiếp tục làm chung công ty, tôi ái ngại trước cảnh các đồng nghiệp giấu giấu giếm giếm thiệp hồng.
Tôi đau đớn, bẽ bàng và bất lực trước ý nghĩ lặp đi lặp lại: Con mình thực sự mất cha từ đây. Tôi như bước hụt chân ở bậc tam cấp. Rước con ở trường mầm non, tôi chở con đến một ngôi chùa ở ngoại thành mong tìm chút bình lặng cho cõi lòng mình. Nhìn con gái đùa giỡn với đàn chim sẻ sà xuống sân chùa, tôi không cầm được nước mắt. Tôi thầm nói: “Con ơi! Mẹ xin lỗi đã để mất ba của con. Tuổi con còn quá nhỏ sao lại phải gánh chịu bi kịch này!”.
Gia đình mới của anh khá êm ấm bởi Hường đảm đang, hiền lành, hiểu chuyện. Họ đã sinh được một bé gái. Hường cũng tế nhị, cô ít vào công ty, thỉnh thoảng có việc tìm chồng thì đứng chờ ở ngã tư. Một ngày, ngẫu nhiên, tôi chạm mặt cô bé con của chồng cũ và Hường khi bé chạy lon ton ở cổng. Tôi gọi bé lại gần, bé ngoan ngoãn khoanh tay: “Con chào cô!”.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team |
Tôi nhìn bé. Trời ơi! Sao mà giống y con gái của tôi hồi nhỏ. Cũng nước da trắng, đôi mắt đen láy và mái tóc chấm vai. Lẫn lộn trong tôi bao cảm xúc. Tôi tiến lại, ôm con vào lòng. Mùi thơm thoang thoảng từ đôi gò má ửng hồng ấy lại của chính con gái tôi năm xưa. Phát hiện chân bé có vết phỏng bô, tôi xót xa hỏi: “Con có đau lắm không?”.
Có tiếng Hường gọi bé. Tôi tiến ra phía cổng, lần đầu giáp mặt Hường. Tôi nhẹ nhàng chỉ cho Hường loại thuốc hay để xức vào vết phỏng.
Chúng tôi trở thành bạn từ đó, tình cảm đầy dần qua những món ăn Hường nấu gửi cho mẹ con tôi hay những chiếc móng tay xinh của con gái tôi do Hường tỉ mẩn chăm sóc… Tuổi thơ khốn khó, không được học nhiều nên vấn đề chăm sóc sức khỏe hay nuôi dạy con cái, Hường thường nhờ tôi tư vấn như một người chị. Bé con một vài tuần không gặp tôi là đòi mẹ chở sang.
Mỗi cuối tuần, dịp lễ tết, sinh nhật, hai cô bé được chở đến chơi đùa với nhau, ngày thêm quấn quýt. Không biết có thừa hay không mà mỗi lần đưa con đi gặp em, tôi cứ nhắc con rằng: “Con phải nhường em, thương thật nhiều nghen con!”. Theo tháng ngày, vết thương cũ đã lành miệng; lòng bao dung, tha thứ đã thế chỗ cho nỗi buồn đau, oán trách.
Hôm qua, tôi bước vào tuổi 45, Hường đến nhà tôi chúc mừng sinh nhật với món quà là cái bánh kem tự làm. Bé con cũng tặng tôi món quà đặc biệt - một nụ hôn và một bài hát thiếu nhi bằng giọng đớt đát cực kỳ dễ thương. Chỉ có hai cặp mẹ - con thôi mà rộn rã cả gian nhà.
Cuối ngày, khi mẹ con Hường đã về, con gái đã say giấc, tôi biên vội dòng nhật ký: “Ở tuổi này, mình không biết sẽ ở vậy nuôi con hay có gặp mối duyên nào khác nhưng chắc chắn mình sẽ không sinh con nữa. Thôi thì ai sinh cũng được, miễn là con mình có chị có em.
Người nào định kiến “nước sông không phạm nước giếng” thì mặc kệ, mình sống để yêu thương và hình như nhờ vậy mà nhẹ lòng…”.
Theo phunuonline