Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng em ly hôn cách đây 2 năm, vì không hợp tính cách. Lúc ly hôn không có gì ồn ào, chồng em chấp nhận dọn ra ngoài, để căn hộ chung cư cũ lại cho mẹ con em.

Em cũng vay mượn ba mẹ, chuyển cho anh ta khoản tiền gần bằng nửa giá trị căn hộ. Còn thiếu khoảng gần 20 triệu đồng, em nói sẽ trả dần. Anh ta còn tỏ ra rất biết điều, nói là để từ từ rồi trả, vì giờ thu nhập chỉ còn một đầu lương của em thôi, phải lo chăm sóc sức khỏe của 2 mẹ con cho tốt.

Em nhớ lúc nghe kể lại chuyện đó, một người bạn em còn hỏi em có quyết định sai không, một người chồng biết nhường nhịn vợ con như vậy sao lại ly hôn. Khoản tiền đó em cũng có trả một ít, sau đó mấy tháng anh ta không gửi tiền cấp dưỡng cho con nên em tính trừ dần.

Giờ đây, sau gần 2 năm, anh ta đột nhiên trở mặt, đòi định giá lại căn nhà, đòi em phải trả cho anh ta nửa giá trị căn nhà theo giá thị trường. Khoản tiền trước đây đã nhận, anh ta nói không đáng gì so với giá trị thực.

Em không đồng ý, anh ta đến nhà, trước thì nói chuyện nhỏ nhẹ, nhưng sau ngày càng khó chịu, nặng nề. Tuần trước, anh ta nói sẽ chuyển về nhà ở chung với mẹ con em, vì anh ta vẫn có quyền sở hữu căn nhà này và em chưa trả tiền như yêu cầu.

Em rất hoảng khi nghĩ đến cảnh chồng cũ lù lù dọn vô nhà. Chỉ riêng việc thấy mặt anh ta, đối với em bây giờ cũng đã rất căng thẳng; nếu anh ta dọn đồ đến thật, em làm sao có thể ngăn cản? Em cũng không muốn con gái em chứng kiến cảnh xô xát mà em biết chắc chắn sẽ xảy ra. Em phải làm sao?

Hồng Trân (TPHCM)

leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ 

Em Hồng Trân thân mến,

Việc phân chia tài sản khi ly hôn lẽ ra phải dứt khoát. Em đã chủ quan, để mọi chuyện dằng dai, kéo dài, khiến chồng cũ của em có lý do để tới lui, tính toán. Có thể lúc ly hôn, anh ta thấy chừng đó tiền là hợp lý; nhưng bây giờ, hoặc do thiếu tiền, hoặc do tham lam, anh ta muốn nhiều hơn.

Chuyện dọa sẽ dọn tới nhà ở chung là một đòn khủng bố tinh thần đối với em. Nếu lúc này em yếu đuối, sợ hãi, có thể anh ta sẽ còn lấn tới.

Mình phải mạnh mẽ lên. Trước hết, để anh ta không thể dọn tới nhà, em cần tỏ rõ thái độ, đổi khóa cửa nhà. Hãy tìm hiểu xem hiện nay anh ta đang ở đâu, nhà thuê hay nhà cha mẹ. Nếu anh ta ở nhà thuê, khả năng anh ta khủng bố theo kiểu đó là có thật. Em nên nhờ người thân (anh chị em, bạn thân) đến ở cùng một thời gian, để luôn có đông người trong nhà. Trong lúc đó, hãy hẹn gặp anh ta nói chuyện.

Về yêu cầu của anh ta hiện nay: định giá lại, chia lại nhà, em cứ bình tĩnh đồng ý, với điều kiện xác định lại những việc trước đây cho rõ ràng; xong giai đoạn 1 rồi sẽ tiếp tục giai đoạn 2.

Việc định giá, chia đôi nhà, giao tiền cụ thể cho anh ta trước đây, nay em nên viết lại thành bản giao kèo rõ ràng. Số tiền còn thiếu là bao nhiêu cũng phải ghi rõ. Đừng “cấn trừ” qua tiền cấp dưỡng. Khoản tiền cấp dưỡng anh ta chưa đưa, em nên lập một bản kê khác.

Sau khi xác định rõ, 2 bên cần ký vào. Xong việc này, coi như em đảm bảo được mình không mất phần tiền đã trả. Việc định giá nhà, em yêu cầu chọn công ty định giá khách quan, chỉ rõ đây là yêu cầu của anh ta nên chi phí định giá anh ta phải trả.

Thực chất thì với một căn hộ chung cư cũ, giá cả chắc không thay đổi nhiều. Điều quan trọng là mình tránh được vụ khủng bố “dọn về nhà”, mình tranh thủ được thời gian để tính chuyện. Còn lại, nếu có phải trả thêm một chút tiền mà mẹ con em được yên ổn, chắc cũng có thể chấp nhận được.

Điều quan trọng là em rút kinh nghiệm, chuyện gì cũng phải dứt khoát, rõ ràng; cần thì nhờ luật sư. Đừng để mình mềm lòng với mấy lời đầu môi chót lưỡi. Đã quyết chia tay, em hãy chuẩn bị đương đầu với những khả năng xấu nhất. Mạnh mẽ lên em nhé.

Theo phụ nữ TPHCM