Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Chồng em có 1 con trai riêng với vợ cũ. Con anh ấy đã lớn, sống riêng. Vợ chồng em cưới nhau được 2 năm, đã cùng nhau tiết kiệm một khoản tiền dành cho việc có con và mua nhà. Mặc dù em luôn tôn trọng và chào đón con trai anh ấy mỗi lần cậu ta đến thăm nhưng em đánh giá cậu ta là người lông bông, sống thiếu trách nhiệm.

Em cấn bầu được 4 tháng. Khi chuẩn bị cho việc sinh con, em phát hiện chồng đã rút số tiền tiết kiệm chung. Số tiền để dành là 480 triệu đồng, trong đó hơn một nửa là tiền của em. Em hỏi, chồng em bảo đã đưa cho con trai anh ấy vay để kinh doanh online. Cậu ta thua lỗ, hiện chưa có tiền trả ngay nhưng chắc chắn sẽ trả.

Em rất giận vì anh ấy lấy tiền chung cho mượn mà không hỏi ý kiến hoặc thông báo cho em. Từ lúc biết chuyện đến nay đã 2 tháng, mấy lần em hỏi, chồng đều bảo cậu ta chưa có tiền, chưa trả. Anh ấy còn có ý là vợ chồng em không thiếu thốn gì, không nên đòi tiền suốt khi con chưa có điều kiện trả.

Em giận lắm. Em sắp sửa nghỉ thai sản nửa năm trời, còn chưa biết lúc hết thời hạn nghỉ có thể đi làm lại được không, tiền đâu mà chi tiêu. Chuyện này gây ra căng thẳng, mâu thuẫn trong gia đình, làm em rất mệt mỏi. Em cho rằng đây không chỉ là việc cha con anh ấy thiếu tôn trọng em mà còn ảnh hưởng đến niềm tin giữa vợ chồng, lại đúng lúc em không thể cày cuốc như trước đây để kiếm thêm tiền dành cho việc sinh nở, nuôi con.

Bây giờ, tài chính trong nhà chỉ phụ thuộc vào một mình anh ấy, em cảm thấy không an tâm khi không còn tiền dự phòng, lỡ có rủi ro gì thì tiền đâu mà xoay xở.

Theo kế hoạch đã bàn tính, số tiền lớn đó sẽ sinh ra tiền lãi để phụ vào việc chi tiêu trong gia đình còn số vốn phải được giữ nguyên dành dụm cho việc mua nhà. Nay thì lãi chẳng có mà vốn cũng không biết khi nào trả. Em không thể không hỏi tới chuyện này dù mỗi lần nói ra là cãi vã, khóc lóc, chẳng giải quyết được gì.

Em nên làm gì?

Ngọc Điệp (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Em Ngọc Điệp thân mến,

Vợ chồng em đang cần một cuộc trò chuyện thành thật và cởi mở về việc quản lý tài chính chung, tôn trọng ý kiến và quyết định của nhau. Em đừng nghĩ nói chuyện nhiều rồi cũng chẳng giải quyết được gì. Đó là vì mình chưa thực sự chuẩn bị kỹ cho cuộc nói chuyện ấy. Hãy ngồi xuống, bình tĩnh suy nghĩ, viết ra giấy những gì em cần, từ đó, em sẽ bình tĩnh hơn để đi tới mục tiêu. 

Em chưa thể lấy lại toàn bộ số tiền ấy ngay lúc này nên tạm thời đừng đòi, dễ gây cãi vã vô ích. Việc cần thiết là cần có một khoản tiền nhất định chuẩn bị cho việc sinh con, phòng ngừa rủi ro. Số tiền cần thiết là bao nhiêu? Em hãy viết ra con số cụ thể và cùng chồng tính toán, tốt nhất là tính được khoản thu mỗi tháng để em yên tâm phần nào.

Tiếp đến, phải rõ ràng về khoản tiền đã đem cho con trai anh ấy mượn. Vì đó là khoản tiền chung, cậu ta mượn để kinh doanh nên cậu ta cần viết giấy vay tiền (thời hạn vay, có tính lãi hay không…). Tiền lãi nếu được nên trả hằng tháng, vừa để vợ chồng em có khoản thu, vừa để cậu ấy có trách nhiệm hơn trong việc nhận nợ, trả nợ. Thống nhất được điều này sẽ giúp vợ chồng em xây dựng lại lòng tin và sự đồng thuận trong hôn nhân.

Khi đã xác định rõ mục tiêu, em có thể bắt đầu cuộc trò chuyện với chồng một cách thẳng thắn, nhẹ nhàng. Đừng cố đạt được tất cả trong 1 lần. Đến chỗ khó, cứ tạm dừng, lần tới nói chuyện tiếp.

Hãy thể hiện mình hiểu lý do khiến chồng đã làm việc đó: anh ấy thương con, anh ấy có lý do riêng, anh ấy có thể lo toan được cho mẹ con em… Tất cả lý do đó đều có thể chấp nhận.

Đừng tập trung vào việc đã xảy ra, dễ sa vào chỉ trích. Thay vì vậy, em nên tập trung vào tương lai, nói về những kế hoạch tài chính chung của gia đình, về niềm vui lớn sắp tới, về đứa bé trong bụng. Quan trọng nhất là tình cảm của 2 người. Giữ được giao tiếp gia đình cởi mở, em sẽ giữ được sự thấu hiểu và chia sẻ.

Chúc em tìm ra giải pháp phù hợp, chúc gia đình em đón thiên thần nhỏ với niềm vui trọn vẹn.

Hạnh Dung

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Trần Kha (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh): Hãy để chồng tự gánh vác

Trước đó, con trai lông bông, sống thiếu trách nhiệm, nay biết chí thú làm ăn, với tâm lý muốn bù đắp cho con, muốn giúp con có nghề nghiệp để có thể tự lo cho bản thân khi cả cha mẹ đều có mái ấm riêng…, chồng bạn mới rút toàn bộ sổ tiết kiệm cho con mượn. Chồng bạn không bàn bạc trước với bạn có lẽ vì hiểu rằng bạn sẽ không chấp nhận. Có thể lúc này, chồng bạn cũng đang nặng lòng nhưng không nói ra. 

Thay vì khóc lóc, cãi vã làm không khí gia đình thêm nặng nề, bạn hãy chăm sóc tốt cho sức khỏe, sống vui vẻ từng ngày chờ đón con chào đời. Mọi chi phí sinh hoạt trong thời điểm bạn nghỉ thai sản đến khi đi làm lại cứ để chồng bạn gánh vác. Nếu gia đình rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, chồng bạn sẽ tự rút ra được bài học quý giá về cách ứng xử, chăm lo sao cho dung hòa giữa gia đình chung, gia đình riêng; về sự tôn trọng đối phương.

Bạn cũng nên rút kinh nghiệm: những khoản tiền tiết kiệm về sau nên bàn bạc thống nhất đứng tên cả vợ chồng thay vì chỉ 1 người.

Lê Thị Hương (huyện Hóc Môn, TPHCM): Đề nghị trả góp từng tháng

Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, việc kinh doanh online của con trai chồng bạn có thể gặp khó khăn, bạn sẽ khó đòi được toàn bộ số tiền ngay lập tức. Tuy nhiên, con trai chồng bạn đang kinh doanh online thì chắc chắn sẽ có thu nhập, có nguồn tiền ra vào. Bạn nên trao đổi thẳng thắn với chồng, nếu con không thể trả một lúc toàn bộ số tiền thì nên chia nhỏ trả góp theo từng tháng, số tiền có thể bằng toàn bộ hoặc một nửa tháng lương của bạn. 

Bên cạnh đó, bạn cũng nên trao đổi trực tiếp với cậu ấy, trình bày hoàn cảnh khó khăn của gia đình và đề nghị con có trách nhiệm trả góp từng tháng cho vợ chồng bạn. Có như vậy, tâm trạng của bạn sẽ bớt bực dọc, bất an, lo lắng. 

Trường hợp nếu thỏa thuận trả góp này không đạt hiệu quả, trong khi thu nhập hằng tháng của chồng bạn không đủ đảm bảo trang trải cuộc sống, bạn có thể nhờ sự vào cuộc của vợ cũ chồng bạn, gia đình 2 bên để con trai anh ấy có trách nhiệm với khoản nợ. 

Theo phụ nữ TPHCM