Em chào chị Hạnh Dung!
Tụi em quen nhau 13 năm, cưới nhau đã được 10 năm, hiện có 2 bé, bé gái 8 tuổi, bé trai 17 tháng tuổi. Năm 2021, sau dịch, vợ chồng em đi làm công ty trở lại.
Nhưng lúc này, công việc kỹ sư xây dựng của anh phải đi tỉnh, chứ không ở Sài Gòn nhiều. Từ cuối năm 2022, sau khi em sinh bé thứ 2, anh vẫn điện thoại về mỗi ngày hỏi thăm 3 mẹ con, cùng em chia sẻ mọi thứ. Mỗi tháng anh về nhà 1 lần khoảng 1 tuần.
Nhưng gần một năm trở lại đây, vợ chồng em hay cãi vã, một phần vì chuyện cơm áo gạo tiền, và em cảm nhận anh chỉ hỏi thăm con cho có lệ, không hề quan tâm tới em, không hỏi han gì em hết. Anh giao phó hết tất cả mọi việc cho em và gia đình bên ngoại. Em có nói gì anh cũng im lặng, và cũng không chủ động xin lỗi trước với em.
Nói chung anh đã thay đổi, giờ em không biết nên như thế nào luôn chị. Mong chị chia sẻ giúp em.
Mạch Thanh Thảo
|
Ảnh minh họa |
Em Thanh Thảo thân mến,
Từ những gì em kể, có thể thấy rõ rằng các vấn đề của gia đình em phát xuất từ hai lý do: Thứ nhất là vợ chồng phải sống xa nhau quá lâu (có lẽ đã hơn 3 năm), và tình hình kinh tế gia đình đang gặp khó khăn.
Em không nói tuổi, nhưng căn cứ vào các con số em đưa ra, Hạnh Dung nghĩ rằng vợ chồng em cõ lẽ đang ở độ tuổi U50 rồi, một độ tuổi có khá nhiều vấn đề khó khăn trong việc thay đổi tâm lý, nhất là khi tình trạng đời sống, kinh tế gia đình chưa ổn định, hướng ra của những khó khăn còn chưa có.
Trước khi nói về tâm trạng của em, em hãy thử nghĩ cho tâm trạng của chồng. Ở độ tuổi này rồi mà anh ấy vẫn chưa được sống trong không khí đầm ấm, quây quần cùng vợ con. Những người đi làm công trình xa của ngành xây dựng vất vả lắm đấy em ạ.
Đã gọi là công trình thì làm gì có các điều kiện tiện nghi, làm gì được ở trong mát, hưởng máy lạnh hay là sự sạch sẽ, an toàn. Đi làm xa nhà là một sự hy sinh lớn, chấp nhận gian khổ để kiếm tiền cho gia đình.
Thế nhưng, hình như sự hy sinh đó cũng không được kết quả tương xứng, vì vợ con vẫn chưa được hưởng những điều kiện vật chất tốt như ý muốn, nên vợ chồng vẫn cứ phải cãi nhau vì cơm áo gạo tiền...
Bấy nhiêu vấn đề dồn lên vai một người đàn ông có thể khiến anh ấy khó lòng mà dịu dàng, thể hiện sự quan tâm chăm sóc, hay thanh minh, biện hộ... thậm chí cả xin lỗi.
Cảm xúc và cách thể hiện cảm xúc của đàn ông khác với phụ nữ chúng ta lắm. Có những khi cảm thấy mình làm chưa đủ, chưa tốt, họ rất khó để nói những lời ngọt ngào, họ sợ bị cười chê "chỉ biết nói cái miệng"... chẳng hạn.
Em thử cố gắng nghĩ và hiểu cho chồng, hiểu những thay đổi của chồng. Có khi không phải vì anh ấy thờ ơ, không quan tâm, mà chính vì quá quan tâm và khó lòng thờ ơ, mà họ không thể nói ra thành lời.
Nếu thương chồng, ngoài việc trò chuyện, hỏi thăm, quan tâm, chăm sóc..., em thậm chí còn có thể thử một chuyến đi thăm chồng ở nơi xa, để thật sự hiểu được cuộc sống của chồng mình những năm qua như thế nào. Khi đó, bằng tình yêu thương, sự cảm thông, em có thể tìm ra cách để giải quyết những vấn đề của mối quan hệ này.
Theo phụ nữ TPHCM