Anh Minh và chị Thảo cưới nhau mười mấy năm. Trước kia anh luôn là trụ cột kinh tế của gia đình, chị cũng có công việc thu nhập ổn định. Ấy vậy mà cách đây mấy tháng, anh Minh đột ngột xin nghỉ việc nơi anh giữ chức trưởng phòng kế toán. 

Hơn 40 tuổi đầu, sau mười mấy năm đi làm, anh thành người... thất nghiệp. Lý do anh đưa ra rất đơn giản: chán đi làm.

Chị Thảo thấy lý do này sao mà vô lý! Mà thực ra, ai nhìn vào cũng đồng tình với chị. Sự nghiệp anh xây đắp bao năm, rồi bỗng đâu anh bảo "chán" rồi buông xuôi?

leftcenterrightdel
 Sự nghiệp xây đắp bao năm, bỗng đâu anh bảo "chán" và lập tức buông xuôi? (ảnh minh hoạ)

Nhưng anh Minh tâm sự với vợ: "Anh không kể lể với em vì biết em cũng bao việc phải lo. Nhưng năm vừa rồi anh thấy cuộc đời vô nghĩa. Ngoài để kiếm tiền, công việc này chẳng cho anh chút niềm vui. Có những ngày mở mắt ra không muốn dậy, vì chẳng muốn đi làm. Ngày nào cũng những cuộc họp, báo cáo, con số vô hồn. Anh tự hỏi ý nghĩa cuộc đời của mình là gì vậy?".

Sau sự kiện đột ngột xin nghỉ việc, anh Minh quyết tâm đi học nghề sửa ô tô. Anh nói anh luôn đam mê tìm hiểu máy móc, kỹ thuật, nhưng cuộc đời đưa đẩy học kế toán, rồi cứ thế mà theo. Đến lúc này, khi đã có nhà và xe, có khoản tiết kiệm vừa đủ trong ngân hàng, anh quyết định thực hiện điều anh luôn muốn làm.

Anh theo học nghề tại một gara ô tô gần nhà. Chủ gara là một kỹ sư ô tô giỏi, từng bất mãn với công ty xe hơi lớn nên về nhà tự mở xưởng xe. Ngày ngày, anh đều đặn tới gara, ai bảo gì làm nấy, rảnh thì đứng xem thợ sửa và hỏi han thêm. 

Chị Thảo lo lắng và có phần bất mãn. Anh đi học việc, thu nhập không có, lương của chị cũng đủ chi tiêu hàng ngày, nhưng đột nhiên mất đi nguồn thu chính để dành cho tích luỹ và những việc lớn của gia đình. Đang yên đang lành, chị trở thành người gánh vác...

Có những ngày đi làm về, thấy chồng hì hục sửa một cụm chi tiết, tay đầy dầu mỡ lấm lem, chị Thảo muốn tung hê hết, chị cáu kỉnh đá thúng lại đụng nia.

Anh Minh hiểu tâm lý vợ, anh cũng chẳng buồn trách thái độ của chị. Nhưng anh nghĩ mình đã sống quá lâu vì người khác, giờ đã đến lúc sống cho mình. Anh tin rằng, chỉ một thời gian nữa, khi chắc cái nghề trong tay, anh sẽ tìm cách mở xưởng và làm giàu từ đam mê.

Chị Thảo cho rằng suy nghĩ ấy của anh quá viển vông, chẳng bao giờ có thể kiếm lại bằng số tiền lương ở công ty cũ. Các con đi học, trước giờ chúng tự hào vì ba làm kế toán trưởng doanh nghiệp lớn, bây giờ lại thành kẻ "vô công rỗi nghề", đi học việc ở một xưởng xe. Cùng lắm thì sau này cũng chỉ là một anh thợ.

Nhưng ngược lại, 2 con chị lại rất tự hào về ba. Ngày nào đi học về, chúng cũng hỏi ba hôm nay học gì ở xưởng. Chúng say sưa nghe anh Minh giải thích về những chi tiết máy, cách vận hành của động cơ xe... Chị Thảo nhìn mấy ba con nói chuyện mà bực. Chị quát con: "Có đi học ngay không, ngồi đấy mà nói chuyện giời ơi đất hỡi. Mấy cái đấy học xong có kiếm được tiền không?".

Cậu con trai lớn học lớp 8 liền bảo mẹ: "Mẹ đừng nói ba vậy được không? Ba dám bỏ công việc an toàn để chọn nghề ba thích. Mẹ không động viên thì cũng đừng tỏ thái độ với ba. Dù mẹ nói gì, con vẫn ủng hộ và khâm phục sự dũng cảm của ba!".

Lời con trai làm chị Thảo thẹn thùng. Chị đã không thể nhìn ra sự dũng cảm trong quyết định của chồng, chỉ xem đó là một lựa chọn vô trách nhiệm. Trong khi anh đã phải cân đo đong đếm, đã phải chịu bao áp lực từ vợ và lời dèm pha của người ngoài để đi theo con đường mới. 

Tối hôm đó, chị nói xin lỗi chồng, hứa sẽ ủng hộ và đồng hành cùng anh trên con đường mới...

Theo phụ nữ TPHCM