Chào chị Hạnh Dung,
Em năm nay 39 tuổi, lấy chồng kém 2 tuổi. Em gốc Bắc, chồng gốc Nam. Vì duyên chung công ty nên gặp nhau ở Hà Nội, yêu nhau, rồi cưới nhau, và chuyển vào TPHCM sinh sống.
3 năm gần đây, chồng em ra ngoài ăn nhậu, gặp gỡ bạn bè, công việc nhiều hơn ở nhà, và dành rất ít thời gian cho vợ con (bé gái năm nay 7 tuổi). Vợ chồng gần như mất kết nối và ít các hoạt động chung.
Cách đây 6 tháng, anh nói không còn cảm xúc với em, và muốn ngủ riêng để có thời gian suy nghĩ lại, điều trị bệnh rối loạn lo âu, mất ngủ vì suy nghĩ nhiều. Em đã bày tỏ quan điểm muốn giữ hôn nhân và chờ đợi.
Trong 6 tháng vừa rồi, em đã học các khóa về hôn nhân gia đình, và rút được nhiều nhận thức về những sai lầm trong vận hành hôn nhân (vợ ôm đồm quá, thiếu kết nối, không hiểu nhu cầu, bản chất đàn ông…).
Sau đó em cũng đã sửa đổi nhiều. 4 tháng sau em có ghi âm những tâm sự và hỏi chồng về đề nghị hàn gắn (do đi công tác), nhưng khi về nước, em vẫn không nhận được câu trả lời.
Cách đây vài ngày (tròn 6 tháng) em có trao đổi thì anh nói không thể hàn gắn vì không còn yêu nữa, đề nghị làm bạn chung nhà, cùng chăm sóc con, nhưng không ly hôn. Anh nói 2 vợ chồng khác biệt quá nhiều về lối sống, sở thích cá nhân, ăn uống… Và anh thích tự do.
Thực tế thì trước em rất dễ tính và không quản thúc gò bó. Nhưng có vẻ anh quá coi trọng những cái thuộc về cái tôi cá nhân và không đề cao giá trị khác của hôn nhân. Anh nói vẫn sẽ chu cấp và chăm lo 2 mẹ con em (mặc dù em vẫn dư tài chính nuôi con, và trước giờ 2 vợ chồng khá độc lập tài chính).
Em vẫn còn tình cảm và thương con nên rất mâu thuẫn khi duy trì cuộc sống đó. Cần cha cho con, nhưng khi đối diện với người không phải là chồng nữa thì em phải làm sao?
Junnie
Em Junnie thân mến,
Dù em không viết rõ ra, nhưng Hạnh Dung thấy rằng sau khi cùng với chồng bước vào cuộc thử thách 6 tháng ly thân, em đã nhận ra được phần nào những thiếu sót của mình với chồng và tìm mọi cách thay đổi.
Thế nhưng điều em cố thay đổi và việc ly thân đó lại không hề có tác động gì lên chồng. Nó hình như chỉ nung nấu thêm ý chí được sống tự do trong khuôn khổ vẫn giữ vỏ bọc gia đình của anh ấy.
Lý do của điều này là gì? Anh ta thật sự không còn tình yêu thương với em? Có tác động bên ngoài nào hay không? Anh ấy có thật sự có những vấn đề riêng trong sức khỏe tâm lý và thể chất hay không?
Đây là những vấn đề mà Hạnh Dung thấy em không đặt ra, không biết rằng em không nghĩ tới, hay có nghĩ tới mà không giải đáp được. Tuy nhiên, có một điều Hạnh Dung hơi thắc mắc, là vì sao anh ta không còn yêu em nữa, nhưng lại không yêu cầu ly hôn như đại đa số đàn ông sẽ mong muốn điều này.
Dù sao, vì em nói mình vẫn còn tình cảm, và chồng vẫn chưa muốn bỏ đi thật sự, Hạnh Dung nghĩ em cứ thử nói rằng bây giờ đến lượt em muốn sử dụng 6 tháng "quyền lợi" của em để có thể tiếp tục một sự cố gắng hàn gắn gia đình một lần nữa.
Hãy nói với chồng những điều em mong muốn anh cùng em thử làm với nhau: trò chuyện với nhau nhiều hơn, chia sẻ với nhau về công việc, con cái, gia đình, tổ chức những chuyến đi xa cùng nhau....
Em hãy cố gắng quan tâm đến những vấn đề của chồng, như một người bạn thân: lo âu, rối loạn giấc ngủ, suy nghĩ nhiều... Hãy tìm hiểu xem chồng lo âu gì, vì sao mất ngủ, có thể tìm cho chồng những cách chữa bệnh mất ngủ hay giải tỏa những lo âu suy nghĩ bằng cách nào đó, thuốc men hay đi bác sĩ ra sao...
Thực tế Hạnh Dung thấy rằng, đây là những vấn đề tâm lý khá nặng với bất kỳ ai, và họ cần được chữa chạy một cách nghiêm túc. Việc không thể thoát khỏi tình trạng này khiến người ta cô đơn, mệt mỏi và nghĩ đến những giải pháp tiêu cực mà ở chồng em là ly thân.
Em cũng nên bàn với chồng một quyết định dứt khoát và mạnh mẽ: Nếu sau nhiều cố gắng mà vợ chồng vẫn không thể thay đổi được mối quan hệ, thì cả hai có nên tiếp tục sống chung một nhà dưới vỏ bọc hôn nhân hay không?
Điều đó sẽ tốt và sẽ xấu như thế nào cho hai người và cho con cái? Điều đó có thể kéo dài một cách bình thường không, hay là sẽ gây nên những vấn đề không hay, khi một trong hai người cảm thấy phải chịu đựng nhau, chịu đựng sự giả dối, diễn kịch...
Em cũng nên chấp nhận điều này nếu cần phải chấp nhận: Việc em cần cha cho con và việc người ấy là chồng em hay không, có thể được tách riêng một cách đàng hoàng, bình tĩnh và nhẹ nhàng.
Ngay cả khi ly hôn, nhưng nếu vợ chồng tôn trọng nhau và yêu thương con thật sự, thì con vẫn có cha có mẹ bình thường, chỉ là cha mẹ chúng không cùng sống chung một mái nhà mà thôi.
Con cái lớn lên có thể không có được niềm vui chung sống cùng cha mẹ, nhưng chúng lại có niềm vui khác: Cha mẹ chúng văn minh, đàng hoàng với nhau, là những người bạn của nhau, yêu thương chúng và tôn trọng những mối dây ràng buộc tình thâm.
Theo phụ nữ TPHCM